Nắng mưa đan xen, lo phòng sâu, bệnh 'tấn công' lúa hè thu
Thời tiết duy trì hình thái nắng nóng, ẩm độ cao, liên tục có mưa rào xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại lúa hè thu tại Hà Tĩnh.
Những đợt mưa đứt đoạn trong nhiều ngày qua góp phần quan trọng khi cung cấp lượng nước lớn, bổ sung nguồn dinh dưỡng quý giá cho đồng ruộng sau thời gian dài nắng nóng gay gắt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa làm đòng, trổ bông. Tuy nhiên, hình thái thời tiết nắng nóng, ẩm độ cao có mưa rào xen kẽ với nền nhiệt độ khoảng 24 - 32 độ C cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh tiếp tục gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại trên lúa hè thu.
Đang kiểm tra đồng ruộng để phun thuốc phòng trừ, chị Trần Thị Lương (thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh) chia sẻ: “Cơ bản 1 mẫu lúa của gia đình đang ở giai đoạn làm đòng - trổ bông. Sau đợt mưa từ ngày 15/7, bào tử nấm của bệnh khô vằn có dấu hiệu phân tán rộng, vết bệnh xuất hiện nhiều lên, một số chân ruộng phần gốc hư hại nặng, cả bẹ và lá phía trên đều bị chết. Đây là giai đoạn phát triển của cây lúa, nếu bệnh khô vằn gây hại nặng sẽ ảnh lớn đến năng suất, thân cây yếu, khó chống chịu với mưa gió, tôi phải chủ động phun trừ sớm”.
Qua rà soát, điều tra của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh và các địa phương cơ sở, bệnh khô vằn đang phát sinh gây hại mạnh trên diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm. Đến nay, toàn huyện Kỳ Anh có hơn 400 ha lúa bị nhiễm bệnh với tỷ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20-30% tại các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Tiến…
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh cho biết: “Giai đoạn đòng đến chín sáp là thời kỳ bệnh khô vằn gây hại nặng nhất trên lúa hè thu. Vì thế, đơn vị đã hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, quan sát kỹ phần gốc (đặc biệt những ruộng gieo dày, xanh tốt) để phát hiện bệnh sớm và phun phòng khi bệnh mới phát sinh; cắt bỏ cỏ dại quanh bờ ruộng tạo độ thông thoáng, hạn chế nguồn bệnh lây lan; bón cân đối giữa các loại phân để tăng cường tính chống chịu của cây.
Tại huyện Thạch Hà, theo chia sẻ của bà con nông dân, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn cũng đã tăng lên nhanh chóng sau đợt mưa lớn vừa qua.
Ông Trần Hoài Xuân (thôn Nam Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà) cho biết :“Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm, sợi nấm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch vụ xuân. Số diện tích nhiễm nặng chủ yếu tập trung ở nhóm lúa Nếp 98, Nếp 87 tại các vùng gieo cấy dày. Tôi đã phun thuốc phòng trừ nhưng vẫn còn lo lắng vì thời tiết lúc mưa, lúc nắng, ẩm độ trong tán lúa cao, bệnh dễ lây lan. Có thể tôi sẽ phải thực hiện phun phòng trừ lại lần 2”.
Ngoài bệnh khô vằn, trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao, “tập đoàn” rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tích lũy số lượng trên đồng ruộng, gây hại cục bộ dạng ổ và tạo nguồn gây hại giai đoạn lúa làm đòng trổ - bông, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa hè thu. Qua theo dõi, chủ yếu rầy tuổi 1, tuổi 2, mật độ trung bình 200-300 con/m2, cục bộ nơi cao 1.000-2.000 con/ m2, có hiện tượng xen gối lứa, phân bố chủ yếu ở các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…
Qua thăm đồng, chị Phạm Thị Phương (thôn Trung Nam, xã An Dũng, Đức Thọ) phát hiện một số diện tích lúa bắt đầu xuất hiện cục bộ các ổ rầy nâu, rầy lưng trắng. Chị Phương cho biết: “Cả rầy trưởng thành và rầy non đều thích sống dưới gốc cây lúa, phải điều tra thường xuyên, lội vào ruộng và vén lá, quan sát xuống dưới gốc mới thấy rõ được. Tôi đang theo dõi mật độ phát triển, nếu cần sẽ tiến hành phun phòng trừ”.
Trên đồng ruộng Hà Tĩnh, thời điểm này, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cũng đang phát sinh gây hại, mật độ nơi cao từ 10-20con/m2; dự báo, sâu cuốn lá lứa 3 sẽ nở rộ vào thời điểm từ ngày 28/7 trở đi, gây hại trên bộ lá công năng giai đoạn lúa đòng già - trổ bông. Chuột gây hại ở các vùng cao cưỡng, gần làng ở các địa phương tỉ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 7-10%, diện tích nhiễm gần 100 ha.
Đây là giai đoạn phát triển quan trọng của cây lúa, có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ. Vì thế, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì đủ nước trong chân ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trổ bông, nhất là đối với số diện tích cuối kênh, cao cưỡng có thể xảy ra hạn cục bộ.
Thời tiết tiếp tục duy trì hình thái nóng ẩm, có mưa rào xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh, gây hại và có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa hè thu. Vì thế, các địa phương chủ động hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng thường xuyên và tiến hành phun phòng trừ sớm với các đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn,… Bên cạnh đó, nông dân cũng cần theo dõi diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá, nạn chuột phá hại...; tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc phun phòng trừ.