Nâng mức cho vay tín chấp để thúc đẩy tín dụng cho 'tam nông'

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi chính sách tín dụng tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung đối tượng thụ hưởng đối với các định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, đẩy mạnh cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội…

Ba kết quả nổi bật

Tại hội thảo “Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “tam nông” phát triển nhanh và bền vững”, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 9.10, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, sau 9 năm thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP), với các chính sách như cho vay không tài sản bảo đảm, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, khuyến khích mua bảo hiểm trong nông nghiệp, đến nay, tín dụng cho khu vực này có ba điểm nổi bật.

Một là, sự quan tâm ưu tiên đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng đã có sự chuyển biến rõ nét. Nếu như trước đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đóng vai trò chủ lực thì hiện đã có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân cho khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2023 đạt 16,3%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Quy mô tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế, đến cuối tháng 9.2024 đạt 3,3 triệu tỷ đồng.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Hai là, nguồn tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho chuỗi ngành hàng nông nghiệp, từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, vốn tín dụng cũng dành cho vay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh với dư nợ khoảng 68,3%; dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%, qua đó thúc đẩy thương mại, tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Ba là, vốn tín dụng góp phần thúc đẩy và duy trì thế mạnh mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực gồm lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng cho các nhóm ngành hàng này đã tăng từ 31% năm 2016 lên gần 39% năm 2023. Đến cuối năm 2023, tín dụng cho lúa, gạo tăng 24,09% so với cuối năm 2022; thủy sản tăng 12,83%; cà phê tăng 21,56% và rau quả tăng 11,33%; qua đó đóng góp chung vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Là ngân hàng đã gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngay từ những ngày đầu thành lập, Phó Tổng giám đốc Agribank Hoàng Minh Ngọc thông tin, đến 30.9.2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là hơn 1 triệu tỷ đồng với 2,8 triệu khách hàng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2015 - khi bắt đầu triển khai Nghị định 55. Với kết quả như vậy, Agribank là ngân hàng có thị phần cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, đại diện ngân hàng xác nhận, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này. Theo đó, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong cung ứng nguồn vốn tín dụng dài hạn, giá rẻ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn do nguồn vốn chính để thực hiện cho vay khu vực này hiện nay là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (chủ yếu là tiền gửi), trong khi đây là những nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp, nông thôn do mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 được đánh giá là thấp, không còn phù hợp. Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với hợp tác xã còn thấp, do quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế…

Xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm

Phát triển tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, bởi có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa đổi chính sách tín dụng tại Nghị định 55 và Nghị định 116 theo hướng bổ sung đối tượng thụ hưởng đối với các định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, đẩy mạnh phương thức cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội cũng như quy định rõ ràng hơn cho việc thực hiện các chính sách xử lý rủi ro, tăng cường vai trò hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương để hỗ trợ triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, xem xét mở rộng đối tượng được bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm đối với người nông dân canh tác trên diện tích lớn, tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa; ban hành, cập nhật định mức kinh tế kỹ thuật đối với cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng triển khai.

Các bộ, ngành cũng cần hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024; có hướng dẫn đánh giá tài sản hình thành trên đất, nhất là các tài sản hình thành trên đất nông nghiệp (nhà kính, đường nước, trạm bơm…) trong bối cảnh giá trị tài sản hình thành trên đất lớn hơn giá trị đất nông nghiệp; nghiên cứu thiết kế các mô hình/phương án sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, quy hoạch đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả về tài chính và khả năng tài trợ của phương án…

Ông Hoàng Minh Ngọc đề xuất, Chính phủ cần ưu tiên cho Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, quỹ hỗ trợ sắp xếp đối với doanh nghiệp với lãi suất thấp để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đối với các địa phương, cần có chiến lược tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định, thu hồi được vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng…

Vốn cho “tam nông” không chỉ dựa vào các tổ chức tín dụng mà còn đến từ quỹ hỗ trợ nông dân. Phó Trưởng ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam Vũ Duy Hưng đề xuất, Chính phủ cần bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương; chỉ đạo UBND hàng năm tiếp tục cấp bổ sung vốn cho quỹ của địa phương, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để Hội Nông dân các cấp tổ chức thực hiện các hình thức vận động nguồn lực xã hội cho Quỹ hỗ trợ nông dân.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-muc-cho-vay-tin-chap-de-thuc-day-tin-dung-cho-tam-nong-post392820.html