Nâng mức hỗ trợ, tạo sinh kế cho người nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ủy ban MTTQ tỉnh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giúp người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Chăm Đào ở thôn Tân Lương, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) giới thiệu với đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ tỉnh về mô hình nuôi dúi của gia đình. Ảnh: THÚY HẰNG

Ông Lê Chăm Đào ở thôn Tân Lương, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) giới thiệu với đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ tỉnh về mô hình nuôi dúi của gia đình. Ảnh: THÚY HẰNG

Nâng mức xây, sửa nhà và hỗ trợ sinh kế

Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh vừa tổ chức hội nghị triển khai một số nội dung liên quan đến thực hiện công tác vận động Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh. Theo đó, các thành viên Ban vận động Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh thống nhất quy định về mức chi và thẩm quyền phê duyệt một số khoản chi Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh.

Cụ thể, mức hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ sửa chữa nhà Đại đoàn kết từ 20 triệu đồng lên 25 triệu đồng/nhà; hỗ trợ nhân dịp tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn từ 400.000 đồng lên 500.000 đồng/suất; hỗ trợ sinh kế từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng lên mức tối đa là 20 triệu đồng. Hỗ trợ các nội dung khác, tùy vào từng trường hợp cụ thể và khả năng cân đối nguồn quỹ vận động được, Trưởng ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh quyết định mức chi hỗ trợ phù hợp.

Năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Đặc biệt là phong trào “Xây dựng 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách” trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà (trong khi nguồn từ Quỹ Vì người nghèo các cấp chỉ hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà).

Mức hỗ trợ này đã giúp 1.108 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nhà ở an toàn, ổn định, để yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đối với hỗ trợ sinh kế, lâu nay mức hỗ trợ tối đa trong hỗ trợ mua vật tư, công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi... là 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, hiện không còn phù hợp. Do đó, các thành viên ban vận động thống nhất nâng mức này lên tối đa 20 triệu đồng/hộ, để các hộ nghèo xây dựng được mô hình sinh kế phù hợp với thực tiễn.

Toàn tỉnh hiện còn 8.480 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 3,22% số hộ trong toàn tỉnh. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giảm thêm 2.235 hộ nghèo, cận nghèo. Việc nâng mức hỗ trợ các chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở của Quỹ Vì người nghèo tỉnh sẽ góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Xây dựng đề án nhân rộng các mô hình kinh tế

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Giai đoạn 2024-2029, Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được lựa chọn để nhân rộng, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của các địa phương, mở ra cơ hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, có sinh kế bền vững và ổn định cuộc sống.

Giai đoạn 2024-2029, Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được lựa chọn để nhân rộng, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của các địa phương, mở ra cơ hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, có sinh kế bền vững và ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Hiện Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức khảo sát các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên địa bàn tỉnh giới thiệu. Qua đó có cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án nhân rộng các mô hình kinh tế giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2029.

Tại gia đình vợ chồng ông Lê Chăm Đào và bà Nguyễn Thị Xuân Nhơn, thôn Tân Lương, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam làm trưởng đoàn đã trao đổi, nắm bắt thực tế quá trình triển khai mô hình nuôi dúi giống và dúi thương phẩm. Theo ông Lê Chăm Đào, năm 2018, vợ chồng ông khởi nghiệp mô hình này. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn do chưa biết cách chọn giống và cách nuôi nên tỉ lệ hao hụt cao. Sau đó, ông tìm tòi học hỏi từ nhiều nơi mới nuôi thành công.

Từ vài chục con giống, giờ mỗi năm gia đình ông xuất bán 600-700 con giống. Với 600.000 đồng/con giống (3 tháng nuôi), 1,5-2 triệu đồng/dúi thịt (6 tháng nuôi), mỗi năm, gia đình ông thu nhập 300-400 triệu đồng. “Nếu bà con có nhu cầu nuôi, tôi sẵn sàng cung cấp con giống, hỗ trợ cách chăm sóc và bao tiêu sản phẩm”, ông Đào nói. Qua khảo sát, ông Hồ Hồng Nam đề nghị Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa nắm bắt nhu cầu của người dân, đề nghị hỗ trợ nhân rộng mô hình phát triển kinh tế này cho hộ nghèo ở địa phương.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, toàn tỉnh có trên 110 dự án, mô hình giảm nghèo bền vững do ủy ban MTTQ các cấp duy trì thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả. Kết quả này có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, địa phương, đơn vị hỗ trợ; đặc biệt là sự phối hợp tích cực của người được hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tham gia dự án, mô hình bằng nguồn vốn đối ứng.

“Để các dự án, mô hình giảm nghèo phát huy được hiệu quả, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cần xác định rõ nhu cầu của từng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ phù hợp. Chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan định hướng cho người dân sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ; đồng thời rà soát, đánh giá để có cơ sở lựa chọn mô hình hiệu quả nhân rộng tại các địa phương, phù hợp từng đối tượng”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn chỉ đạo.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316797/nang-muc-ho-tro-tao-sinh-ke-cho-nguoi-ngheo.html