Nâng mức hỗ trợ thai sản phù hợp hơn
Tại đợt 1 Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, về chính sách bảo hiểm tự nguyện, qua thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ thai sản lên mức phù hợp hơn, cao hơn mức 2.000.000 đồng…
Sửa đổi, bổ sung 11 nội dung lớn
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 nội dung lớn. Trong đó, Dự án Luật bổ sung chế trợ cấp hưu trí xã hội với người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng; bổ sung năm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; đề xuất hai phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội... Đây đều là những chính sách có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành, nên nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trong đó, về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, qua thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để bổ sung việc luật hóa quy định đóng trước như Nghị định 134/2015/NĐ-CP đang thực hiện để tăng tính hấp dẫn và cụ thể hóa Điều 7 của dự thảo Luật.
Về trợ cấp thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, các quy định của chế độ trợ cấp thai sản (từ Điều 99 đến Điều 103 dự thảo Luật) mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén…
Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là những lợi ích rất cần thiết đối với người lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ bảo hiểm xã hội trong hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương tự người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nâng mức hỗ trợ thai sản
Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 28 “Nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng”, khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Giảm giá/miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đang trong độ tuổi đến trường…
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay còn thấp, tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không cao. Trong khi đó, quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức 2.000.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế, đây là mức hỗ trợ được triển khai từ năm 2015. Do đó để thu hút người lao động sớm tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ này lên mức phù hợp hơn.
Đồng thời, Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có mức hưởng cao hơn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật. Cụ thể như có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác… nhằm vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
“Quy định hiện hành đã cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng trước một khoảng thời gian. Do đó, cần có đánh giá tác động của đề xuất này để luật hóa nhằm vừa bảo đảm quyền lợi lâu dài, vừa tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội”, Báo cáo thẩm tra nêu.
Về mức tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự thảo Luật quy định mức thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Còn đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng thấp nhất do Chính phủ công bố và cao nhất bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, chưa rõ căn cứ của sự khác biệt về mức thu nhập thấp nhất của bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện là tại sao? Do đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị nên thống nhất quy định về mức thu nhập tối thiểu và tối đa giữa hai hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, làm rõ nội dung này để Quốc hội xem xét.
Tham gia bảo hiểm tự nguyện đã được 3 năm, chị Nguyễn Thị Tuyền (trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) cho rằng, ngoài chế độ lương hưu, tử tuất thì việc được hưởng trợ cấp thai sản rất quan trọng với lao động nữ khi nghỉ sinh. Vì vậy, chị mong muốn bảo hiểm tự nguyện không chỉ có chế độ tử tuất và hưu trí như hiện hành, mà được chi trả thêm chế độ thai sản.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-muc-ho-tro-thai-san-phu-hop-hon-159517.html