Nâng mức hưởng chính sách trợ cấp: Ổn định đời sống cho đối tượng bảo trợ

Trong tình hình mức lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng từ tháng 7-2023 và dự kiến sẽ cải cách chính sách tiền lương vào tháng 7-2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng nhằm bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội.

Đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ đề xuất này. Nhiều người thuộc đối tượng bảo trợ mong muốn chế độ chính sách điều chỉnh kịp thời góp phần hỗ trợ ổn định đời sống.

Chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người dân tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hoài Lưu

Chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người dân tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hoài Lưu

Vơi bớt khó khăn

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Hội viên Hội Người khuyết tật quận Ba Đình) đang hưởng mức trợ cấp hằng tháng 580.000 đồng. "Cùng với nguồn thu nhập từ công việc sửa chữa giày dép tại nhà, số tiền này đã giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hằng ngày”, anh Thắng chia sẻ.

Phát hiện ung thư võng mạc lúc 1 tuổi, em Nguyễn Hoàng Yến Nhi (sinh năm 2009, ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) phải loại bỏ 2 mắt để điều trị hóa chất. Em được nhận chế độ bảo trợ đối với người đặc biệt nặng là 1,1 triệu đồng/tháng. Kèm theo đó, mẹ em được nhận chế độ đối với người chăm sóc với mức 440.000 đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Sáu, mẹ của Yến Nhi, cho biết: “Số tiền hỗ trợ đã giúp mẹ con tôi rất nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tằn tiện chi tiêu để thu vén sinh hoạt hằng tháng. Rất may, chúng tôi có thêm sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể, tổ chức từ thiện trao tặng nhu yếu phẩm cần thiết trong các dịp lễ, Tết để giảm bớt khó khăn”.

Với anh Nguyễn Thanh Liêm (ở phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân), dường như khó khăn, vất vả luôn thử thách. Bị mù từ hơn 10 năm nay, gần đây anh Liêm còn phát hiện bị ung thư sàn miệng. Không lập gia đình, anh Liêm sống cùng mẹ già 91 tuổi. Với mức trợ cấp hằng tháng cho người khuyết tật đặc biệt nặng 880.000 đồng/tháng, anh phải tiết kiệm chi tiêu cho đủ các nhu cầu thiết yếu vì cơ hội kiếm việc làm của người mù rất hạn chế.

Nâng cao chất lượng chính sách

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức trợ giúp xã hội liên tục được điều chỉnh tăng lên. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/người/tháng, đến năm 2007 tăng lên 120.000 đồng/tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng và đến năm 2013 là 270.000 đồng/tháng, tăng 6 lần so với năm 2000, và lên mức 360.000 đồng năm 2021. Trong đó, 14 tỉnh, thành phố có chính sách tăng mức chuẩn trợ cấp lên hơn 360.000 đồng, góp phần ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng nhận trợ cấp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế trong gia đình và cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố, Hà Nội đã điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 440.000 đồng/tháng (cao hơn so với mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng) nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, ngày càng bảo đảm đời sống của các đối tượng nhận hỗ trợ.

Từ tháng 7-2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1.800.000 đồng. Việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng, bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức cấp bách. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng lên mức 500.000 đồng và 750.000 đồng. Trong đó, phương án 1 được cho là khả thi hơn vì có mức tăng phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách. Việc nâng mức trợ cấp xã hội đang được những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế mong đợi như một nguồn hỗ trợ thiết thực giúp vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Lê Hào Quang thông tin, toàn huyện có 11.861 người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng với tổng số kinh phí hơn 7 tỷ đồng/tháng. Trong đó, số người khuyết tật và người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn. Đây là những đối tượng có sức khỏe yếu, khó có cơ hội tiếp cận việc làm để có thêm thu nhập nên việc tăng mức trợ cấp hằng tháng sẽ giúp họ có khả năng trang trải chi phí sinh hoạt.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cũng chia sẻ quan điểm này. Trong tháng 1 và tháng 2-2024, quận Cầu Giấy chi trả trợ cấp qua tài khoản đến 3.841 người với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Việc đề xuất điều chỉnh mức chuẩn phù hợp thể hiện quan điểm tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế, giúp những người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của Nhà nước và nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội.

Ngoài đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp hằng tháng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn kiến nghị bổ sung các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng gồm trẻ em, người cao tuổi (từ 75 đến 80 tuổi), hộ nghèo, hộ cận nghèo... Những chính sách này bảo đảm thực hiện lộ trình tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội trong mối tương quan với các chính sách xã hội khác.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-muc-huong-chinh-sach-tro-cap-on-dinh-doi-song-cho-doi-tuong-bao-tro-659835.html