Nâng ngực 'thần thánh' hay chiêu trò của các thẩm mỹ viện - Kỳ 2: Giật mình vì 'công nghệ'
Theo lời mời chào của My, vào vai một khách hàng có nhu cầu nâng ngực bằng 'công nghệ Nâng cấp vòng 1 không dao kéo được chuyển giao độc quyền từ Hàn Quốc' như quảng cáo, phóng viên (PV) đã trực tiếp đến 46 Nguyễn Khang, nơi 'đóng đô' của Viện Thẩm mỹ Grand ID Hàn Quốc.
Nâng ngực như… tập GYM
Ngay khi mới vào cửa, nhân viên của thẩm mỹ viện đon đả ra đón tiếp khách. Sau khi biết được mục đích khách hàng đến để tìm hiểu và tư vấn về phương pháp nâng ngực không phẫu thuật bằng máy, nhân viên lễ tân đã nhanh chóng liên lạc với ai đó và báo PV chờ ít phút.
Trong khi chờ đợi, cô gái lễ tân cũng cho biết, khách hàng của thẩm mỹ viện này đến sử dụng dịch vụ nâng ngực không phẫu thuật cũng khá đông, vậy nên khi khách đến tư vấn phải chờ là chuyện bình thường.
Sau khoảng 10 phút chờ đợi, PV được mời lên tầng 2, vào một phòng nhỏ bày sơ sài một chiếc bàn có ghế ngồi cho “chủ” và khách. Tiếp tục chờ đợi khoảng 10 phút, một thanh niên còn khá trẻ khoác áo blouse trắng, không biển tên, không chức danh đến và tự giới thiệu mình là bác sĩ của thẩm mỹ viện, anh ta sẽ là người trực tiếp thăm khám và tư vấn về dịch vụ nâng ngực bằng máy công nghệ cao.
Trước khi vào màn “thuyết trình” về dịch vụ, bác sĩ này giới thiệu, anh ta SN 1991, đã học chuyên ngành thẩm mỹ tại Singapore, 1 năm ở Mỹ và hiện đang học thêm tại Việt Nam. Khi được hỏi học ở trường nào thì vị “bác sĩ” này lảng tránh và chỉ cho biết, khi ở Việt Nam thì học ở… các viện. Tức là ở các BV Thu Cúc, Hồng Ngọc…, “bác sĩ” giải thích.
Và để lý giải lý do tại sao không ở Hàn Quốc hoặc Mỹ để hành nghề, “bác sĩ” cho rằng: “Phẫu thuật ở Mỹ xấu lắm, mà ngành thẩm mỹ của Việt Nam đang phát triển nên… về nước”.
Khi PV tỏ ra không tin tưởng vào phương pháp nâng ngực công nghệ mới thẩm mỹ viện này đang áp dụng, “bác sĩ” liền giải thích: “Viện thẩm mỹ sẽ nâng ngực bằng sóng siêu tần để kích size (kích thước - PV) ngực lên, tác động bằng các bước sóng vào các vùng cơ”. Sợ khách hàng không hiểu, người này diễn giải nôm na: “Khi người ta tập GYM để tạo thành các khối cơ bụng, nhưng việc tập luyện ấy sẽ khiến người ta mất 6 tháng nếu chăm tập. Nhưng khi có sự tác động của các dòng máy Extra lipo thì các vùng cơ này sẽ hình thành chỉ trong 1 - 2 tuần. Phương pháp này sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành các khối cơ”. Không quên dặn dò, người này cho biết, sau khi làm, người sử dụng dịch vụ phải bổ sung đủ chất dinh dưỡng để ngực tiếp tục tăng size.
“Hiện nay các tế bào của chị đang nằm im và từ xưa đến nay nó vẫn không hoạt động, bây giờ nó sẽ bắt các tế bào hoạt động và đồng thời kích thích các niêm mạc phát triển… Khi sử dụng 1 buổi, kích thước vòng 1 sẽ tăng từ 3 - 5cm”, vị này khẳng định.
Tuy nhiên, “bác sĩ” này cũng cho biết, việc bộ ngực có được sexy như ý muốn lại phụ thuộc vào cả việc bổ sung dinh dưỡng sau khi sử dụng dịch vụ. “Sau 2 tuần khách hàng sẽ thấy được thành quả, lúc này khách hàng quay trở lại thẩm mỹ để thăm khám lại. Nếu cảm thấy đã hài lòng thì thôi, còn không thì tiếp tục làm thêm 1 liệu trình nữa”. Cũng theo vị “bác sĩ” này, việc sử dụng thêm 1 liệu trình 60 phút nữa đồng nghĩa với khách hàng tiếp tục phải trả 5,8 triệu đồng nữa.
“Thường sẽ khoảng 6 liệu trình, khách hàng sẽ đạt được kích thước như mình mong muốn”, người này khẳng định. Đồng nghĩa, để đạt được cái “mơ ước” đó, khách hàng phải chi trả gần 35 triệu đồng thay bằng chỉ có 5,8 triệu như quảng cáo.
“Diễn giải” hấp dẫn là thế, nhưng khi PV hỏi về bằng cấp cũng như chứng chỉ hành nghề của người thực hiện, “bác sĩ” này cho biết, việc chịu trách nhiệm trước khách hàng không chỉ là “bác sĩ” mà nó là việc của cả thương hiệu. Và “bác sĩ” chỉ cho khách hàng xem chứng chỉ, bằng cấp khi khách hàng đã đăng ký và bắt đầu làm dịch vụ.
Tìm mọi cách để khách hàng “xuống tiền”
Tìm cách thoái thác, chúng tôi lấy lý do đã trưa nên đi ăn sau đó sẽ quyết định, “bác sĩ” này nói: “Nếu vậy, chị có thể ký vào phiếu đặt chỗ để hưởng giá ưu đãi 5,8 triệu. Vì nguyên giá của dịch vụ này là 12 triệu đồng nên chị chỉ cần bước ra khỏi “viện”, khi quay lại chị sẽ không được hưởng giá ưu đãi đó nữa.” Và khi PV cho biết mình chỉ đi ăn sau đó sẽ quay lại, nhưng vị này kiên quyết: “Viện chỉ tính 1 lần mở cửa cho khách hàng. Nên để được nhận quyền lợi, khách hàng nên làm phiếu giữ chỗ” và theo “bác sĩ”, việc đặt chỗ đồng nghĩa với việc khách hàng phải đặt cọc từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Nếu không quay lại sử dụng dịch vụ thì khách hàng sẽ mất số tiền đó.
Chấp nhận không hưởng ưu đãi nữa, khi chuẩn bị đứng dậy, lúc này vị “bác sĩ” này mới tung chiêu cuối: “Kể cả chị không ghi phiếu đặt chỗ, không sử dụng dịch vụ thì chị vẫn mất 300 nghìn đồng tiền phí thăm khám và tư vấn”, vị “bác sĩ” nói.
Cho rằng việc thu 300 nghìn đồng là không được thông báo trước, cũng không hề có thỏa thuận đồng thời từ lúc vào đây, khách hàng cũng không hề thấy có hành động nào gọi là… thăm khám, câu chuyện trao đổi chỉ dừng ở chỗ tìm hiểu dịch vụ, vị “bác sĩ” này giải thích: “Cái này là quy định của viện. Cũng có nhiều khách hàng phản ứng như chị, nhưng số tiền này là viện bắt buộc phải thu”.
Và khi biết PV sẽ không trả số tiền đó, “bác sĩ” này tỏ ra thông cảm: “Chị không trả cũng không sao cả, em đành phải bỏ tiền túi của em ra để trả cho viện vậy”.
(Còn nữa)