Nâng niu búp măng non
Có câu ngạn ngữ rằng, trong tất cả những món quà tự nhiên dành cho loài người, còn gì ngọt ngào hơn con trẻ. Lại cũng có câu hát rằng 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai'. Bởi những giá trị thiêng liêng ấy, như lời Hồ Chủ tịch năm xưa, 'trẻ em như búp trên cành', lúc nào cũng nên được nâng niu, chăm sóc, giáo dục bằng tất cả những thương yêu.
Báo Việt Nam độc lập, số 106, ra ngày 21/9/1941, đăng tải bài thơ gồm 20 câu có tựa đề “Trẻ con”. Với những câu thơ như: Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/Học hành, giáo dục đã không/Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/. … tác giả Nguyễn Ái Quốc không giấu nổi những xót xa, day dứt trước cuộc sống quá ư gian khó, thiệt thòi của thiếu nhi Việt dưới ách giặc Nhật, giặc Tây.
Nhưng đáng nhớ nhất, luôn vang vọng đến ngày nay là hai câu mở đầu bài thơ: Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Với Bác, con trẻ như búp măng non, cần phải hết mực nâng niu, chăm bẵm, rèn rũa…
Suốt những năm tháng cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh- người mà triệu triệu trẻ em Việt Nam yêu kính gọi bằng cái tên trìu mến: Bác Hồ- cũng đã luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt nhất cho thiếu nhi- luôn canh cánh, quan tâm, trăn trở làm thế nào để con trẻ luôn được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục một cách tốt nhất, với tình thương yêu cao nhất. Bác từng nhấn mạnh “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”. Bác chỉ rõ, “trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”…
Làm theo lời Bác, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt, cũng như những điều tốt nhất cho trẻ em- “tương lai của đất nước”.
Việt Nam đã là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em… cũng đã ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Mới đây, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động Vì Trẻ em 2024, thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài; làm tốt công tác này là trách nhiệm của toàn xã hội.
Từ sự quan tâm đặc biệt ấy, trẻ em ngày càng được quan tâm phát triển. Nhờ tập trung nguồn lực lớn cho giáo dục mà nước ta đã đạt được những thành quả ấn tượng: 96,8% người trong độ tuổi đi học biết chữ, tỷ lệ nhập học ở giáo dục mầm non bắt buộc đạt 98,3%, gần mức phổ cập hoàn toàn. Nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trẻ em cần được bảo vệ, chăm lo, phát triển! Mệnh lệnh ấy đã được nhiều lần nhấn mạnh và đi vào thực thi. Tuy nhiên, vụ việc em nhỏ 5 tuổi bị bỏ quên trên xe tử vong rất nhức nhối những ngày qua, hay việc vẫn còn rất nhiều vấn tề “nóng” liên quan đến trẻ em liên tục được đặt ra tại các Diễn đàn thời gian qua như: trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, bạo lực học đường, đuối nước… đã cho thấy, để bảo đảm cho mọi trẻ em một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh vẫn còn là một hành trình dài.
Đơn cử như việc trẻ em bị xâm hại. Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2020 đến tháng 9/2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em. Đáng chú ý trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới hơn 80% và con số này tăng lên theo mỗi năm, như năm 2023 vừa qua, cả nước xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em, tăng 9,2% về số vụ so với năm 2022, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%. Đối tượng xâm hại phần lớn lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình; mối quan hệ gần gũi, quen biết với trẻ em, đặc biệt là với sự tiếp tay từ mạng xã hội, ngày càng dễ dàng dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi...
Gây quan ngại không kém là thực trạng trẻ em bị đuối nước. Với gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi năm do tai nạn đuối nước, Việt Nam có tỉ suất đuối nước trẻ em cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Mối đe dọa tới sự an toàn của trẻ thơ đã quá rõ, không ít giải pháp đã, đang được đưa ra, nhưng những con số trên đây là minh chứng cho thấy hiệu quả đạt được chưa được bao nhiêu. Như trong vấn nạn xâm hại trẻ em, công tác phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn còn lúng túng; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, cộng đồng cư dân, các cấp quản lý khi để xảy ra xâm hại trẻ em, trong khi đó, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc và bản thân trẻ nhỏ chưa được hướng dẫn, giáo dục để có nhận thức, kiến thức đầy đủ, cập nhật về bảo vệ trẻ em….
Phải trao cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất! Cùng nỗ lực để mọi trẻ em đều được lớn lên an toàn, làm thế nào để “mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui”… đó không nên chỉ là những lời nói hô hào mỗi khi đến dịp Ngày Thiếu nhi hay Tháng hành động vì trẻ em, càng không nên chỉ là những hành động cho có hay như ngôn ngữ Gen Z là “phông bạt làm màu”.
Hãy đến với con trẻ bằng tình yêu thương gần gụi thực sự, có như thế, mới làm được điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa nhấn mạnh: "Mỗi gia đình hãy thực sự là một mái ấm tràn ngập tình yêu thương để các cháu được quan tâm, chăm lo, cảm nhận sự an toàn và niềm hạnh phúc, cảm nhận được sự bình đẳng! Mỗi ngôi trường hãy là một mái nhà hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui, để các cháu được học tập, rèn luyện, giao lưu, trưởng thành và phát triển! Cả cộng đồng, xã hội hãy hành động thiết thực với trách nhiệm cao nhất; với những tình cảm gần gũi, thân thương nhất; với cả tấm lòng và trái tim yêu thương! Hãy là chỗ dựa vững chắc, là nơi để các cháu gửi gắm niềm tin, yêu thương và tin tưởng vào tương lai của mình!".
Lúc sinh thời, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trẻ em như “búp trên cành”. Búp trên cành mơn mởn, tươi non nhưng rất dễ bị gãy, bị tổn thương. Bởi vậy, trẻ em- những búp măng non- nên cần luôn được nâng niu, chăm sóc bởi hết thảy chúng ta. Bởi măng non hôm nay là tương lai đất nước, là thế giới ngày mai, là nơi đặt để những mong chờ và kỳ vọng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-niu-bup-mang-non-post297704.html