Nắng nóng 'bao phủ' nhiều khu vực
Nước Anh đang trải qua những ngày đầu tháng 5 nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ liên tục tăng vọt, làm gia tăng các cảnh báo về cháy rừng và những nguy cơ tiềm ẩn khi bơi lội ở vùng nước tự nhiên. Nam Á cũng đang trong tình trạng tương tự.

Trẻ em Ấn Độ giải nhiệt ở hồ nước công cộng. Ảnh: UNSPLASH
Nóng bất thường
Vườn Kew ở phía Tây Nam thủ đô London trong những ngày đầu tháng 5 ghi nhận nhiệt độ 29,3oC, vượt qua kỷ lục 27,4oC tại Lossiemouth (Moray) năm 1990. Cơ quan Khí tượng Anh cho biết nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng và ngày 1-5 trở thành ngày nóng nhất trong năm. Tháng 4 cũng được ghi nhận là tháng 4 nắng nhất ở Anh kể từ khi các dữ liệu được ghi chép từ năm 1910. Cơ quan Cứu hỏa London cảnh báo số vụ tai nạn liên quan đến nước đã tăng 32% trong tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Patrick Goulbourne, trợ lý ủy viên Cơ quan Cứu hỏa London, cho biết, ngay cả khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ nước có thể lạnh đến mức gây nguy hiểm. Bên cạnh tai nạn dưới nước, các cơ quan cứu hỏa còn cảnh báo về nguy cơ cháy cỏ và cháy rừng tăng cao do thời tiết khô và nóng.
Tại Nam Á, nắng nóng năm nay đến sớm một cách đáng báo động. Phần lớn Ấn Độ và Pakistan đang trải qua cảnh oi bức. Nhiệt độ trong khu vực thường tăng lên trong tháng 5, đạt đỉnh vào tháng 6 trước khi gió mùa mang lại sự dễ chịu. Nhưng năm nay, nhiệt độ tăng sớm từ tháng 4. Tại New Delhi (Ấn Độ), nhiệt độ đã tăng lên hơn 40oC vào tháng 4, cao hơn tới 5oC so với mức trung bình theo mùa. Nhiệt độ ở Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan, lên tới 44oC. Các bang khác cũng đang phải vật lộn với tình trạng nắng nóng dữ dội.
Còn ở thành phố Shaheed Benazirabad, tỉnh Sindh của Pakistan, nhiệt độ đã tăng vọt lên 50oC, cao hơn gần 8,5oC so với mức trung bình hàng năm. Ở những nơi khác trong nước, nhiệt độ dao động ở mức 40oC.
Chung tay hành động
Nam Á là nơi sinh sống của 1,9 tỷ người và là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều người sống ở những khu vực phải chịu nhiệt độ cực cao và không được tiếp cận với hệ thống làm mát, chăm sóc sức khỏe hoặc đủ nước sinh hoạt. Chính quyền Delhi đã kêu gọi các trường học hủy bỏ các buổi họp chiều và ban hành các hướng dẫn khẩn cấp để đảm bảo thời gian nghỉ uống nước, đồng thời điều trị ngay lập tức bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng sốc nhiệt.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, làn sóng nhiệt từ Âu sang Á đã tăng cường đáng kể từ năm 2000, với quy mô của các bất thường về nhiệt độ và lượng mưa tăng vọt so với trước đó. Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ mùa hè ở Tây Ban Nha và Pháp sẽ đạt mức chưa từng có trong vài năm tới. Ông David Faranda, nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho biết, giải pháp bền vững duy nhất là ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải. Nếu không giảm mạnh lượng khí thải, xây dựng khả năng phục hồi khí hậu, sử dụng năng lượng xanh và các động thái khác thì hậu quả sẽ rất đáng báo động.
Ông Faranda cho rằng mọi người cần giảm mức tiêu thụ năng lượng nói chung thông qua thay đổi lối sống, dùng kiến trúc mang lại hiệu quả năng lượng và sử dụng vật liệu tốt hơn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-nong-bao-phu-nhieu-khu-vuc-post793695.html