Nắng nóng bao trùm 12 quốc gia châu Á: Nhiều kỷ lục bị phá vỡ
Đợt nắng nóng đầu tháng 4 được các chuyên gia đánh giá là 'sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á' với nền nhiệt trung bình liên tục thay đổi.
1/3 dân số thế giới ảnh hưởng bởi “sóng nhiệt quái vật châu Á”
1/3 dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi “sóng nhiệt quái vật châu Á”. Nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ khi điều kiện nắng nóng khắc nghiệt bao trùm 12 quốc gia. Theo CNN, nền nhiệt trung bình ở nhiều nước châu Á liên tục lập kỷ lục mới khi đợt nắng nóng đầu tiên vào đầu tháng 4 chỉ mới bắt đầu. Nắng nóng gay gắt gần như bao trùm toàn bộ châu Á và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Các nghiên cứu cho thấy ở các vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng đến con người hầu hết các ngày trong năm. Có nhiều khu vực ghi nhận nhiệt độ tăng lên 51°C.
Lào phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong hai ngày liên tiếp, 42,9 độ C được ghi nhận ở vùng nông nghiệp Sainyabuli, và 42,7 độ C ở Luang Prabang. Turkmenistan lập kỷ lục nhiệt tháng 4 mới với 42,2 độ C. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang trải qua nhiệt độ trên 30 độ C, mức cao bất thường trong mùa. Trong khi đó, hàng trăm trạm thời tiết trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến nhiệt độ tháng 4 cao nhất được ghi nhận, theo Capital Weather Gang.
Ở Thái Lan, nhiệt độ đạt mức kỷ lục 45,4 độ C tại Bangkok. Ở tỉnh miền Tây Tak, nhiệt độ là 44,6 độ C trong tuần này, mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận ở đây. Cục Khí tượng Thái Lan cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục kéo dài sang tuần tới.
Còn theo các chuyên gia dự báo thời tiết, tình trạng nhiệt độ cao nguy hiểm hơn dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Một sự kiện El Nino sắp xảy ra, bên cạnh biến đổi khí hậu do con người gây ra, có thể tạo ra những kỷ lục nhiệt mới vào mùa hè này.
Ít nhất 13 người thiệt mạng ở Ấn Độ vì say nắng sau khi tham dự một sự kiện trên cánh đồng trống không có mái che vào cuối tuần vừa qua.
Trong tuần này, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Trung Quốc đều ghi nhận nhiệt độ cao với nắng nóng kéo dài. Bangladesh ghi nhận 40,6 độ C, nhiệt độ cao nhất trong sáu thập kỷ. Nước này đã buộc phải cắt điện hàng triệu người dân ngay cả khi nhu cầu tăng vọt do lễ hội Ramadan.
Các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên do biến đổi khí hậu do con người gây ra, phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Nhiệt độ thế giới tiếp tục phá kỷ lục
Hôm 20/4, cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino vào cuối năm nay.
Trong thời gian diễn ra hiện tượng El Nino, các luồng gió thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm hơn bị đẩy về phía đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương nóng hơn.
“Hiện tượng El Nino thường có liên hệ với những năm có nhiệt độ trung bình đạt mức cao kỷ lục. Mặc dù chưa biết chắc chắn hiện tượng này sẽ xuất hiện vào năm 2023 hay 2024, song tôi nghĩ tình trạng tăng nhiệt độ nhiều khả năng sẽ xảy ra”, Carlo Buontempo, Giám đốc cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU cho hay.
Theo các mô hình khí hậu, hiện tượng El Nino quay trở lại vào cuối mùa hè ở phía bắc và khả năng El Nino mạnh sẽ phát triển vào cuối năm. Đến nay, 2016 được xem là năm nóng nhất từng được ghi nhận, trùng với thời điểm hiện tượng El Nino đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù vậy, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiệt độ tăng cao ngay cả trong những năm không có hiện tượng thời tiết này.
Theo Reuters, 8 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất được ghi nhận trên thế giới. Điều này phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính.
Friederike Otto, giảng viên tại Viện nghiên cứu Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng, hiện tượng El Nino có thể làm trầm trọng hơn những tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải đối mặt, trong đó sẽ có những đợt nóng và hạn hán kéo dài. “Nếu hiện tượng El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 do thế giới vẫn nóng lên và con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, ông Friederike Otto cho hay.
Cũng theo báo cáo công bố của cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus, năm 2022 là năm nóng thứ 5 được ghi nhận trong lịch sử.
Việt Nam và nhiều nước châu Á đối mặt với nắng nóng, sóng nhiệt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng hay sóng nhiệt tháng 4.
Trong những ngày qua, Việt Nam đã ghi nhận một số điểm nóng từ 41 độ đến 42 độ C ở các tỉnh như: Sơn La, Nghệ An. Từ đầu mùa tới nay, Tây Bắc bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị nắng nóng vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.
Tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, mức nhiệt 41,4 độ C được ghi nhận vào ngày 22/3 cao hơn kỷ lục cũ thiết lập năm 1996 tới 3,3 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận tại nước ta vào tháng 3 trong lịch sử quan trắc khí tượng.