Nắng nóng bất thường gây rủi ro với lạm phát và tăng trưởng

Các đợt nắng nóng diễn ra trên khắp ASEAN báo hiệu sự quay trở lại của El Ninõ sau 3 năm. Trước đó, hiện tượng El Ninõ nghiêm trọng vào năm 2015-2016 đã tàn phá nền kinh tế, nhưng từ đó các nhà hoạch định chính sách đã rút kinh nghiệm và đưa ra những cảnh báo sớm cho lần này.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của ngân hàng HSBC vừa mới bố báo cáo ASEAN Perspectives - Hiện tượng El Ninõ đổ bộ. Báo cáo nhận định về El Ninõ, một hiện tượng khí hậu gây ra hạn hán và thiếu hụt mưa, và những tác động cụ thể của nó đối với nền kinh tế cũng như tình trạng lạm phát tại 6 thị trường ASEAN.

ASEAN đã có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát lạm phát

Theo báo cáo, sau ba năm vắng bóng, nay hiện tượng El Ninõ đã quay trở lại khu vực, làm tăng nguy cơ hạn hán, thiếu nước, gián đoạn thương mại. El Ninõ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nông nghiệp - đặc biệt là gạo, dầu cọ và cà phê – đồng thời, sản xuất chất bán dẫn cũng gặp nguy.

Cho đến nay, ASEAN chỉ mới chứng kiến hiện tượng El Ninõ mức độ nhẹ, nhưng các nhà chức trách trên toàn khu vực dự đoán hiện tượng sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2023 và kéo dài xuyên suốt năm 2024.

El Ninõ đe dọa trực tiếp với ngành nông nghiệp của ASEAN

El Ninõ tạo ra mối đe dọa trực tiếp với ngành nông nghiệp của ASEAN. Mặc dù chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong GDP và thương mại, nhưng tác động có thể xảy ra đối với lĩnh vực này là không thể phớt lờ, vì đây là lĩnh vực cung cấp nhiều việc làm và là nguồn thu nhập chính của hộ gia đình. Ba sản phẩm chính của ASEAN dễ bị tổn thương nhất do El Ninõ là gạo (Thái Lan và Việt Nam), dầu cọ (Malaysia và Indonesia) và cà phê (Việt Nam và Indonesia). Tuy nhiên, tác động của El Ninõ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng thiếu nước và năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Malaysia và Việt Nam.

Trước đây, ASEAN thường trải qua lạm phát cao trong suốt các đợt El Ninõ. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong những năm gần đây, phần lớn nhờ vào việc quản lý lạm phát lương thực tốt hơn. Những cải thiện này bao gồm việc tăng cường phối hợp mạng lưới thực phẩm địa phương, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các phương án thay thế để dự trữ nguồn cung thực phẩm, chẳng hạn như đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu. Mặc dù El Ninõ mang đến những rủi ro đáng kể làm gia tăng lạm phát ASEAN, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ chắc chắn làm chệch hướng những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa lạm phát xuống vùng an toàn.

Xét về một mặt hàng quan trọng là gạo, báo cáo cho biết các đợt El Ninõ thường gây ra sụt giảm sản lượng gạo cùng với các chính sách thương mại tương đối hạn chế làm trầm trọng thêm tình trạng này. Phần lớn khu vực ASEAN phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc, trừ Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn, cả hai quốc gia này cộng lại chiếm gần 30% thị phần của thế giới, sau Ấn Độ với 40%.

Đợt El Ninõ năm 2015-2016 đã khiến sản lượng tại hai thị trường này giảm hơn 10%, nhắc các nhà hoạch định chính sách nhớ về tính nghiêm trọng của tình hình. Tại Thái Lan, nông dân được khuyên chỉ nên trồng một vụ lúa để thích ứng với lượng mưa thấp và tình trạng thiếu hụt nước. Hậu quả là xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 7%, theo ước tính của USDA. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước khác trong khu vực, vì hầu hết các quốc gia ASEAN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo từ hai nước này. Tuy nhiên, khả năng phục hồi dự kiến của Ấn Độ có thể bù đắp phần nào hạn chế này.

El Ninõ có thể gây ra cú sốc nguồn cung mới

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng. Vào đầu tháng 6, các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nơi đặt cơ sở sản xuất của những công ty lớn như Samsung và Foxconn, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Mất điện là do thiếu hụt thủy điện, nguồn cung cấp điện chính ở miền Bắc vì nắng nóng và hạn hán do El Ninõ gây ra đã khiến nước trong các hồ chứa cạn kiệt, thậm chí mực nước ở các đập lớn ở miền bắc cũng giảm đến mực nước chết.

Mực nước ở nhiều hồ thủy điện giảm mạnh do nắng nóng

Mực nước ở nhiều hồ thủy điện giảm mạnh do nắng nóng

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả các hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn. Tuy nhiên, rủi ro năng lượng do El Ninõ gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Không có gì chắc chắn liệu đợt El Ninõ sắp tới sẽ ít nghiêm trọng hơn so với El Ninõ trong năm 2015 đến 2016 hay không. Bất kỳ tình hình nghiêm trọng hơn nào cũng sẽ thực sự gây ra những cú sốc nguồn cung mới, khiến các chính phủ ASEAN phải đưa ra các giải pháp mới với quy mô lớn hơn.

Rủi ro chính sách cũng có thể xảy ra và hoàn toàn đổi hướng của triển vọng lạm phát tại ASEAN, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cần nhập khẩu lương thực. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nước xuất khẩu lương thực sẽ cấm xuất khẩu để quản lý giá nội địa sẽ dẫn đến áp lực lạm phát đáng kể đối với các nền kinh tế nhập khẩu ròng.

Nhưng nhìn chung, giữa những lo lắng xung quanh đợt El Ninõ sắp tới, lịch sử cho thấy ASEAN thừa khả năng giảm thiểu các tác động bất lợi. Tuy vậy, El Ninõ vẫn là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng lạm phát, nhưng không đảm bảo rằng khu vực sẽ trải qua một làn sóng lạm phát khác.

El Ninõ có thể gây thiệt hại tới 3 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu

Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng đợt El Ninõ này có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Các nhà khoa học phát hiện các sự kiện El Ninõ có cường độ mạnh như năm 1982-83 và 1997-98 đã làm giảm thu nhập toàn cầu do ảnh hưởng đến sản xuất và chế biến nông sản toàn cầu, đồng thời tăng khả năng lây lan dịch bệnh. Theo quan điểm của HSBC, El Ninõ có tác động kinh tế khác nhau giữa các khu vực thông qua việc thay đổi sản xuất nông nghiệp và cung cầu năng lượng.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-nong-bat-thuong-gay-rui-ro-voi-lam-phat-va-tang-truong-131981.html