Nắng nóng bất thường ở châu Âu, mưa lũ nghiêm trọng ở châu Á
Trong khi châu Âu đang phải đối mặt với đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất từ đầu mùa hè này thì tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang phải hứng chịu tác động của mưa lũ kéo dài.
Nhiệt độ tại nhiều nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Đức những ngày qua liên tục tăng cao dao động từ 37 đến trên 40 độ C. Để tránh nóng nhiều người châu Âu đổ xô đến các công viên, hồ bơi, quán cà phê. Nắng nóng tăng cao cũng đồng nghĩa với việc lượng điện tiêu thụ cũng tăng cao. Tại Pháp trong 2 ngày cuối tuần, các mặt hàng quạt điện gần như cháy hàng do lượng người mua quạt tăng đột biến.
“Với tình trạng nắng nóng này, tôi chỉ muốn đến những nơi có thể làm dịu không khí xuống. Thời tiết thực sự nóng nực”.
“Quạt của tôi đã bị gãy và vậy tôi phải mua cái mới. Thời tiết quá nóng”.
Cùng với nắng nóng, cảnh báo cháy rừng đã được ban bố trên khắp khu vực phía tây Địa Trung Hải, do nhiệt độ cao và khô hạn kéo dài là điều kiện dễ gây bắt lửa. Liên minh châu Âu đã điều 12 máy bay cứu hỏa và 1 máy bay trực thăng luôn trong tình trạng sẵn sàng để hỗ trợ các quốc gia đang vật lộn với những trận hỏa hoạn lớn trong mùa hè này. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đợt nắng nóng sớm là dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Thông thường tại châu Âu, nắng nóng thường xảy ra vào tháng 7 và 8 nay đã xảy ra vào tháng 6.
Trái ngược với diễn biến thời tiết tại châu Âu, nhiều nơi tại châu Á như Trung Quốc và khu vực Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh lại đang phải hứng chịu những tác động của mưa lũ kéo dài.
Các trận mưa lũ kéo dài tại Bangladesh và Ấn Độ đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng triệu người bị mắc kẹt. Tại Bangladesh, các trận mưa như trút trong tuần qua đã làm ngập một vùng rộng lớn ở miền Đông Bắc nước này. Trường học được tận dụng làm nơi trú ẩn cho những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do ngập lụt. Quân đội Bangladesh cũng đã được triển khai để sơ tán các hộ dân bị mưa lũ cô lập.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, ít nhất 16 người ở bang Meghalaya đã bị thiệt mạng kể từ ngày 16/6 do mưa to gây ra các vụ sạt lở và nước sông dâng tràn bờ làm ngập đường phố. Dự báo, tình hình lũ lụt sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong 2 ngày tới ở Bangladesh và vùng thượng nguồn phía Đông Bắc Ấn Độ do mưa to.
Một người dân Bangladesh nói: “Tôi đã mất 2 đứa cháu do mưa lớn. Tài sản cũng bị nước cuốn trôi. Tôi chưa bào giờ chứng kiến trận mưa lũ nghiêm trọng đến vậy”.
Còn tại Trung Quốc, nhiều vùng rộng lớn ở miền nam nước này đã bị tàn phá nặng nề bởi những cơn mưa đầu mùa hè cực đoan. Mưa to gây lũ lụt ở các thành phố và lở đất ở các vùng nông thôn. Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục ở các tỉnh Quý Châu, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, Quảng Tây, cho đến đầu tuần tới. Mùa hè là thời điểm thường xảy ra lũ lụt ở Trung Quốc nhưng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của mưa lũ có xu hướng nặng hơn do tác động của suy thoái rừng, san lấp các vùng đất ngập nước và việc xây đập thủy điện, thủy lợi. Biến đổi khí hậu cũng được cho là góp phần dẫn đến tình trạng này./.