Nắng nóng, chú ý dấu hiệu đột quỵ sớm

Nắng nóng liên quan đến đột quỵ tương đối nhiều. Vừa qua, những đợt nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ vào Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khá đông.

Nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến người cao tuổi, vì người cao tuổi thường có các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, béo phì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người cao tuổi ở thành phố dễ bị ảnh hưởng hơn ở nông thôn, vì môi trường nhiệt độ ở thành phố cao hơn, sức chịu đựng với nắng nóng kém hơn ở nông thôn, do bị bê tông hóa nhiều hơn.

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang liên tiếp cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ, mà nguyên nhân quan trọng là bệnh nhân đã tới bệnh viện trong “thời gian vàng”.

Hơn một nửa số bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp nhập viện trong 4 - 5 giờ đầu và được điều trị tiêu sợi huyết đã hồi phục hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn.

Theo Nghiên cứu của Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ đột quỵ ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Vấn đề giới không phải liên quan đến mùa, mà liên quan đến tỷ lệ bị bệnh nền ở nam giới cao hơn nữ giới.

Ví như, tỷ lệ bị cao huyết áp ở nam cũng cao hơn nữ, tỷ lệ bị đái tháo đường cũng thế và chế độ tuân thủ của nam giới thường kém hơn nữ giới, như nam giới có nhiều thói quen không lành mạnh như sử dụng bia rượu, hút thuốc… là những thứ mà phụ nữ Việt Nam có thể tránh được.

Nghiên cứu khác cũng chỉ ra, những người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng hơn 34% so với người không sử dụng hoặc sử dụng dưới nửa ly 1 ngày.

Còn uống quá nhiều được định nghĩa là uống trên 5 ly mỗi ngày, ít nhất mỗi tháng 1 lần dẫn đến tỷ lệ đột quỵ tăng trên 39 %. Cũng theo báo cáo này, những người trung niên sử dụng nhiều bia rượu có nguy cơ dẫn đến đột quỵ sớm hơn 5 năm trong đời, bất kể yếu tố di truyền như thế nào.

Đặc biệt, trong nhóm này hay gặp nhất là xuất huyết não. Xuất huyết não ở những người sử dụng rượu, bia có tiền sử cao huyết áp có nguy cơ tử vong và những yếu tố nguy cơ khác cao hơn nhiều.

Vì thế, để tránh bị đột quỵ, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo người cao tuổi cần hạn chế thấp nhất việc ra ngoài vào thời điểm nắng nóng, nhất là các cụ ở thành phố. Cũng không nên bật điều hòa quá lạnh.

Người già thích nghi kém hơn người trẻ, nên nếu đang ở trong phòng điều hòa, thì trước khi ra ngoài, cần tắt điều hòa, ngồi một lát, để khi ra ngoài môi trường thân nhiệt không thay đổi quá đột ngột.

Những biểu hiện của bệnh đột quỵ thường là đột ngột bị tê bì nửa người, liệt nửa người, đột ngột bị méo miệng (khi xúc miệng nước chảy ra ngoài không theo ý muốn), đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc không hiểu lời nói), đột ngột nhìn mờ một bên … Khi đó, phải nhanh nhất có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Kinh nghiệm nhiều năm điều trị bệnh nhân đột quỵ cho thấy, rất nhiều người khi có dấu hiệu đột quỵ như tê người, méo miệng, vẫn nằm để xem sao, hoặc điện cho con cháu hỏi ý kiến, đợi con cháu về đưa đi khám, chỉ khi đã nặng hơn mới đi bệnh viện. Khi đó thì đã qua mất giờ vàng để có thể điều trị hiệu quả.

Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, ngay khi thấy dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh nhất có thể đến ngay bệnh viện, vì thời gian là não.

Để điều trị đột quỵ hiệu quả, thì khung 4 -5 giờ đầu là tốt nhất và nay mở rộng hơn là 6h. Nhưng thực tế càng đến sớm càng tốt. Đến bệnh viện những khung giờ sau vẫn có thể xử lý được, nhưng chỉ định điều trị đã ngặt nghèo hơn đến sớm rất nhiều.

Đến sớm nhất để tiếp cận được những kỹ thuật, cũng như thuốc tốt nhất, tránh được khả năng di chứng do đột quỵ để lại, vì nếu đến muộn, dễ có nhiều di chứng, thậm chí, có thể liệt vĩnh viễn, bệnh nhân phải nằm một chỗ.

Còn theo ý kiến của bác sĩ Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các gia đình cần lưu ý dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở người cao tuổi để phát hiện kịp thời.

Cụ thể, khi có biểu hiện như nói khó, cầm nắm không vững, ho, sốt, huyết áp tăng, buồn nôn, chóng mặt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì cần đến bệnh viện khám, không nên tự điều trị tại nhà.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những ngày nắng nóng người cao tuổi cần tránh hoạt động ngoài trời từ 10h - 16h. Sáng hoạt động nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, không nên hoạt động mạnh.

Người già có thói quen tập thể dục buổi chiều. Tuy nhiên, với những ngày nắng nóng cực điểm, nhiệt độ cao thì không nên tập, bởi buổi chiều tuy nhiệt độ hạ nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn rất cao.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần đặc biệt quan tâm đến chế độ chăm sóc, nên ăn, uống đồ chế biến dạng lỏng, mềm dễ tiêu, nhiều rau xanh, hoa quả; chịu khó uống nhiều nước và đều đặn để bù vào lượng nước mà cơ thể bị thiếu hụt. Đặc biệt, không nên đợi đến lúc khát mới uống; uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày.

Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao và cơ thể chúng ta mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông máu/ cầm máu và gây đột quỵ.

Bệnh nhân nhiều bệnh lý nền cần uống thuốc đều, bởi thời tiết nắng nóng, người già thường mệt, khó chịu nên nếu bỏ thuốc điều trị... thì rất nguy hiểm, nhất là với người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch.

Trong ngày nắng nóng, các gia đình đều sử dụng điều hòa liên tục, tuy nhiên, những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì cần lưu ý để nhiệt độ từ 27 - 29 độ C và có thêm quạt thông gió, máy tạo ẩm. Vào những khoảng thời gian thời tiết dịu mát, không nên lạm dụng điều hòa mà nên mở cửa để phòng thông thoáng.

Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột, ví như khi từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng thì cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, để tránh biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường thì phải đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nang-nong-chu-y-dau-hieu-dot-quy-som-d194418.html