Gia tăng nạn nhân tử vong vì bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại. Chuyên gia y tế cảnh báo, chó, mèo không được tiêm chủng, người bị chó, mèo cắn nhưng chủ quan không tiêm ngừa bệnh dại là nguyên nhân khiến bệnh lưu hành và có xu hướng gia tăng.

Ngày 4/7, trao đổi với phóng viên, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM xác nhận, tại đây vừa có một trường hợp nhiễm bệnh dại nhập viện điều trị. Đó là nam bệnh nhân Đ.K. (48 tuổi, ngụ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) nhập viện trong tình trạng lên cơn dại (ngày 15/6) sau khi được bác sĩ tiếp nhận, điều trị hỗ trợ nhưng tình trạng bệnh diễn tiến nặng nên gia đình xin đưa bệnh nhân về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà (ngày 17/6).

Những trường hợp phát bệnh dại, nguy cơ tử vong gần như 100%. Ảnh: Vân Sơn

Những trường hợp phát bệnh dại, nguy cơ tử vong gần như 100%. Ảnh: Vân Sơn

Tháng 2, ông K. cùng 5 người khác ở địa phương bị chó cắn. Hai ngày sau khi cắn nhiều người, con chó đã chết. Tuy nhiên, cả 6 nạn nhân đều chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Đến tháng 6, ông K. có biểu hiện sợ nước, sợ tiếng ồn, tăng động (hay cào, cắn). Sau khi ông K. tử vong, 5 nạn nhân bị chó cắn trước đó vội đi tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại.

Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur TPHCM, tính đến tháng 6, khu vực phía Nam (20 tỉnh và thành phố) đã ghi nhận 12 trường hợp tử vong vì bệnh dại ở 6 tỉnh, gồm Bến Tre (3 ca), Tây Ninh (3 ca), Long An (3 ca), Cà Mau, Kiên Giang, Bình Phước (mỗi tỉnh 1 ca). So với cùng kỳ năm trước, số người chết vì bệnh dại tại phía Nam tăng 5 ca.

Hiện nay, 11 tỉnh thành phía Nam có 57 ổ dịch dại lưu hành (tăng 31 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước), nhiều nhất là Đồng Nai (15 ổ dịch), Bến Tre (14 ổ dịch), Long An (8 ổ dịch)… Trung bình mỗi tháng tại phía Nam có hơn 40.000 người bị phơi nhiễm bệnh dại phải đi tiêm phòng.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân gia tăng bệnh dại, BS.Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật thuộc Viện Pasteur TPHCM cho biết, đàn vật nuôi bao gồm chó, mèo chưa được tiêm phòng bệnh dại là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh lưu hành.

Số trường hợp tử vong vì bệnh dại có xu hướng gia tăng, nguyên nhân có thể là do sự chủ quan của chính nạn nhân, không đi tiêm phòng kịp thời sau khi bị chó hoặc mèo cắn.

“Người bị chó hoặc mèo cắn cần đi tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Đối với các trường hợp bị chó dại cắn tại Bình Phước, sau khi có 1 ca tử vong, những nạn nhân còn lại mới đi tiêm vắc-xin và huyết thanh ngừa dại thì khả năng bảo vệ của vắc - xin không thể bằng người mới bị chó cắn thực hiện tiêm phòng ngay. Bệnh dại có những trường hợp quá trình ủ bệnh kéo dài, hy vọng vắc- xin và huyết thanh sẽ phát huy được tác dụng giúp các bệnh nhân tại Bình Phước tránh được nguy cơ phát bệnh dại”

BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn

Theo BS. Tuấn, vi rút dại thường tồn tại trong nước bọt của động vật, ngoài nguy cơ lây truyền sang người qua vết cắn, bệnh dại có thể lây qua vết cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da tổn thương của con người. Đến nay, bệnh dại trên người vẫn chưa có giải pháp điều trị đặc hiệu.

Trên thực tế, cộng đồng đang lan truyền các phương pháp dân gian được cho rằng có thể điều trị bệnh dại như hút nọc độc, điều trị bằng thuốc Nam. Tuy nhiên, các phương pháp trên hoàn toàn không có khả năng điều trị bệnh dại. Bệnh dại vô cùng nguy hiểm, khi người bị nhiễm đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%.

BS Tuấn khuyến cáo, khi nuôi chó, mèo cần phải chủ động tiêm ngừa bệnh dại để bảo vệ an toàn cho chính gia đình và cộng đồng. Những trường hợp bị phơi nhiễm bệnh dại (chó hoặc mèo cắn, cào, liếm lên vết thương hở…) cần nhanh chóng đi tiêm phòng.

Hiện nay, vắc-xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bị phơi nhiễm.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-tang-nan-nhan-tu-vong-vi-benh-dai-post1652477.tpo