Nắng nóng cực đoan ở châu Á, châu Mỹ ghi nhận các mức nhiệt thấp kỷ lục
Châu Á trải qua nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 6, trong khi đó các nước châu Mỹ ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục do biến đổi khí hậu gây ra.

Nắng nóng gay gắt ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 4/7, Đài quan sát Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về tình trạng nắng nóng diện rộng và mưa bão tại nhiều khu vực trên cả nước.
Cụ thể, một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang bao phủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, trong khi mưa lớn và giông bão dự báo có thể xảy ra tại các tỉnh phía Tây và miền Bắc.
Theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, trong tuần tới, nhiều vùng rộng lớn dọc theo sông Dương Tử có thể chứng kiến mức nhiệt lên tới 37-39 độ C, đặc biệt một số khu vực của các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc và Hà Nam có khả năng vượt ngưỡng 40 độ C.
Đợt nắng nóng lần này đến sớm bất thường so với các năm trước khi “mùa Tam Phủ” - khoảng thời gian nóng nhất trong năm tại Trung Quốc - thường xảy ra trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng nhiệt độ cực đoan hiện nay là hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu và đang gây ra những thách thức nghiêm trọng như làm giảm năng suất nông nghiệp khiến thu nhập của nông dân suy giảm, gây gián đoạn hoạt động tại các trung tâm sản xuất và cảng biển trọng yếu, hay gia tăng áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải.
Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nhà chức trách tại nhiều địa phương đã ban hành cảnh báo nắng nóng, khuyến cáo người lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ say nắng, đặc biệt khi nhiệt độ cao đi kèm với độ ẩm lớn.
Cách đây 3 năm, Trung Quốc từng hứng chịu mùa Hè nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961 với 79 ngày nắng nóng liên tục từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8.
Dù không có số liệu tử vong chính thức được công bố nhưng một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2023 ước tính số người tử vong do đợt nắng nóng nói trên có thể lên tới 50.900 người, gấp đôi năm 2021.

Cảnh ngập lụt tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi miền Đông Trung Quốc chịu nắng nóng dữ dội, các khu vực phía Bắc và Tây Nam lại hứng chịu mưa lớn trên diện rộng.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tuần.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố Thành Đô, nơi người dân phải chèo thuyền qua các con phố bị nước nhấn chìm.
Tình trạng thời tiết cực đoan trái ngược tại các khu vực khác nhau đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác ứng phó thiên tai tại Trung Quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những tác động rõ rệt và khó lường.
Theo hãng tin Yonhap, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) ngày 4/7 cho biết nước này vừa trải qua tháng 6 với mức nhiệt trung bình cao nhất từ trước đến nay, sau các đợt nắng nóng và đêm nhiệt đới.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình tháng 6 ở Hàn Quốc là 22,9 độ C, cao hơn 0,2 độ C so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng 6 nóng nhất tại nước này kể từ năm 1973 khi Hàn Quốc bắt đầu chú trọng hơn đến việc thu thập dữ liệu thời tiết.

Em nhỏ chơi đùa bên đài phun nước để tránh nóng, tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
KMA cho rằng nhiệt độ trung bình trong tháng 6 cao kỷ lục là do khối khí áp cao hình thành ở phía Đông Nam đất nước. Đêm nhiệt đới đầu tiên trong năm nay ở thành phố ven biển miền Đông Gangneung xuất hiện hôm 18/6, chỉ một ngày trước khi 12 khu vực khác trên cả nước cũng đón nhận hiện tượng này. Đêm nhiệt đới là hiện tượng nhiệt độ ban đêm duy trì trên 25 độ C từ 18 giờ hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau.
Trong khi đó, lượng mưa trong tháng 6 ở mức 187,4mm, cao hơn mức trung bình 148,2mm của 30 năm qua.
Tại Ấn Độ, giới chức nước này cho biết ít nhất 69 người đã thiệt mạng và 110 người khác bị thương do lũ quét và sạt lở đất xảy ra sau đợt mưa lớn trong 2 tuần qua ở khu vực phía Bắc dãy Himalaya.
Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã ban hành cảnh báo mưa to đến rất to trong ngày 3/7 ở các bang Himachal Pradesh và Uttarakhand.

Ngập lụt do mưa lớn tại Kerala, Ấn Độ ngày 27/6/2025. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Mùa gió mùa tại Ấn Độ thường kéo dài từ tháng 6-9 hằng năm, giúp nước này thoát khỏi cảnh nắng nóng gay gắt của mùa Hè và bổ sung nguồn nước cần thiết. Tuy nhiên, mùa này cũng thường gây lũ lụt và thiệt hại trên diện rộng.
Tháng trước, mưa lớn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người và làm hàng chục người khác bị thương ở vùng Đông Bắc xa xôi của Ấn Độ.
Tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, các trận mưa do gió mùa đến sớm hơn bình thường 2 tuần, đánh dấu thời điểm bắt đầu mưa gió mùa sớm nhất trong gần 25 năm qua.
Khí hậu cực đoan không chỉ xảy ra tại châu Á. Nắng nóng cực đoan cũng đang gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực khác trên thế giới.
Hy Lạp ghi nhận ít nhất 8 trường hợp tử vong do nắng nóng và nhiều vụ cháy rừng trên đảo Crete cũng như vùng ngoại ô Athens.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Hasia, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nắng nóng tại Pháp cũng gây nhiều thiệt hại ở Pháp trong những ngày qua.
Trong khi đó, tại Mỹ, bang California chứng kiến số vụ cháy rừng nhiều hơn mọi năm, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Trong khi đó, tại châu Mỹ, các nước Argentina, Chile và Uruguay ghi nhận mức nhiệt thấp kỷ lục, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và buộc chính phủ các nước phải mở cửa các điểm tránh trú khẩn cấp.
Cả 3 quốc gia Nam Mỹ này đều ghi nhận các mức nhiệt âm sau khi hứng chịu khối khí từ Nam Cực tràn về.
Ở Argentina, tổ chức phi chính phủ Proyecto 7 cho biết ít nhất 9 người vô gia cư đã tử vong vì giá lạnh trong mùa Đông năm nay.

Người dân mặc áo ấm tránh rét tại Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ đô Buenos Aires chứng kiến nhiệt độ -1,9 độ C trong ngày 2/7, thấp nhất kể từ năm 1991, trong khi thành phố ven biển Miramar có tuyết rơi lần đầu sau 34 năm. Ở phía Nam, thị trấn Maquinchao ghi nhận nhiệt độ -18 độ C trong ngày 1/7.
Nhu cầu điện tăng cao đã gây ra tình trạng mất điện ở Buenos Aires khiến hàng nghìn người ở một số khu vực rơi vào cảnh không có điện trong hơn 24 giờ.
Ngày 2/7, Chính phủ Argentina đã phải tạm ngừng cung cấp khí đốt cho các ngành công nghiệp và trạm xăng để đảm bảo khí đốt cho các hộ gia đình.
Còn tại Uruguay, sau khi có 6 người thiệt mạng do giá rét, nước này đã ban hành cảnh báo đỏ trên toàn quốc, cho phép chính quyền của Tổng thống Yamandu Orsi di dời những người vô gia cư đến nơi tránh trú.
Ở Chile, chính phủ nước này cũng mở các cơ sở tạm trú cho người vô gia cư trong những ngày lạnh nhất. Theo Cơ quan Khí tượng Chile, thành phố Chillan cách thủ đô Santiago 400km về phía Nam có lúc ghi nhận mức nhiệt xuống tới - 9,3 độ C.
Thậm chí lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ đã có tuyết rơi ở một số khu vực thuộc sa mạc Atacama, nơi khô hạn nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng những khối không khí lạnh thường không di chuyển xa về phía Bắc như vậy, do đó không thể loại trừ khả năng do biến đổi khí hậu gây ra./.