Nắng nóng kéo dài, đề cao việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn

Hè năm 2023 có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài, do vậy, việc cung cấp điện ổn định; sử dụng điện tiết kiệm, an toàn đang là mối quan tâm của cả ngành điện và nhiều hộ gia đình Thủ đô.

Công nhân Điện lực Hà Nội vận hành cung cấp điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Công nhân Điện lực Hà Nội vận hành cung cấp điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hè năm 2023 có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tại Thủ đô Hà Nội tăng rất cao.

Mới chớm nắng nóng nhưng sản lượng điện thương phẩm của Hà Nội tháng 4 đạt 1.782,71 triệu kWh (tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2022) cho thấy, những tháng tới đây sẽ tiếp tục lập kỷ lục về lượng tiêu thụ điện. Do vậy, việc cung cấp điện ổn định; sử dụng điện tiết kiệm, an toàn đang là mối quan tâm của cả ngành điện và nhiều hộ gia đình Thủ đô.

Gia đình ông Trần Tuấn Anh trú tại phố Linh Lang, Ba Đình (Hà Nội) chủ yếu dùng điện sinh hoạt với chi phí khoảng 700.000 đồng/tháng. Những tháng cao điểm nắng nóng vừa qua, các thiết bị điện làm mát như điều hòa, quạt gió được gia đình ông sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, tiền điện của gia đình ông tăng không đáng kể nhờ áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm.

Theo ông Tuấn Anh, những ngày gần đây nắng nóng liên tục, gia đình sử dụng quạt máy, điều hòa nhiệt độ nhiều nhưng để tiết kiệm điện, khi nào đi ngủ, gia đình mới bật điều hòa, đến nửa đêm tắt, chuyển sang quạt. Riêng quạt gió, tivi và các thiết bị khác không sử dụng rút dây nguồn. Nhờ vậy, những tháng nắng nóng vừa qua, chi phí tiền điện của gia đình tăng không nhiều.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện tiết kiệm, an toàn trong những ngày nắng nóng, anh Đào Cảnh Tuân trú tại Khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, khi sử dụng các thiết bị làm mát nhiều, gia đình hạn chế bật đèn, chủ yếu là tận dụng ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, gia đình anh thay toàn bộ hệ thống đèn Led cho hệ thống chiếu sáng trong nhà.

Đối với máy lạnh khi sử dụng, anh luôn bật ở nhiệt độ 26-27 độ C. Hóa đơn tiền điện của gia đình bình quân khoảng 1 triệu đồng/tháng, đến thời điểm chuyển mùa nắng nóng đỉnh điểm tăng lên 1,2 triệu đồng, sử dụng điện tiết kiệm nên tiền điện chưa khi nào vượt mức 1,2 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, để kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng điện, tránh nguy cơ hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng, các hộ gia đình, doanh nghiệp cần quan tâm và thực hành sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả.

Nhằm tránh quá tải lưới, EVNHANOI đang tập trung tuyên truyền khách hàng sử dụng điện thay đổi thói quen sử dụng điện, trong đó tiết kiệm điện bằng những hành động thiết thực như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng điện vào các giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11h00 đến 15h30 và từ 20h00 đến 23h30 hàng ngày), tận dụng tối đa nguồn gió, ánh sáng từ môi trường bên ngoài, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ.

EVNHANOI cũng vận động các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng chủ động thay thế các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao, tăng cường sản xuất vào các khung giờ thấp điểm, ký cam kết với ngành điện tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất.

Thông qua các ứng dụng, website và hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, người dân có thể theo dõi chỉ số điện tiêu thụ một cách nhanh chóng, dễ dàng từ đó rà soát lại để điều chỉnh lượng điện tiêu thụ hàng ngày tránh nguy cơ hóa đơn tiền điện tăng cao.

EVNHANOI cho rằng, thời tiết nắng nóng còn có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày. Do vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả vừa giúp giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, lại vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời cũng tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với mức bình thường.

“Ý thức sử dụng điện tiết kiệm, an toàn được nâng lên không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp và người dân mà còn được xem là cơ sở, tiền đề quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến môi trường như hiện nay”, ông Nguyễn Anh Dũng phân tích và cho biết thêm, Tổng Công ty đã xây dựng, duy trì các chương trình chăm sóc đặc biệt, đem tới nhiều lợi ích cho các khách hàng ký kết tham gia "Chương trình Điều chỉnh phụ tải".

Theo đó, Chương trình đã thu hút khoảng 500 khách hàng lớn tham gia nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.

Cùng với việc, vận động tuyên truyền để người dân Thủ đô chung tay sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng, ông Nguyễn Anh Dũng cũng thông tin thêm, EVNHANOI đã chủ động lập phương án vận hành hệ thống điện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng để tăng phụ tải cho Thủ đô.

Cụ thể, EVNHANOI đã khởi công 7 công trình (1 công trình lưới điện 220kV và 6 công trình lưới điện 110kV). Trong số này có 5 công trình được thực hiện theo kế hoạch EVN giao (2 công trình lưới điện 110kV khởi công thêm là nhánh rẽ Tây Hồ Tây - mạch 2; Trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV). Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã tiến hành đóng điện 9 công trình lưới điện 110kV, bao gồm 8 công trình theo kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao và công trình “Xây dựng mới tuyến cáp ngầm từ trạm 220kV Tây Hồ đến trạm 110kV Nhật Tân”.

EVNHANOI cũng đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp, giám sát chặt chẽ tình hình mang tải trên lưới điện để kịp thời xử lý nhanh tình trạng đầy tải, quá tải đường dây và trạm biến áp trên địa bàn, phấn đấu cung cấp đủ điện với điện áp tốt cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn./.

Mạnh Khánh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-nong-keo-dai-de-cao-viec-su-dung-dien-tiet-kiem-an-toan/291411.html