Nắng nóng kỷ lục đe dọa phép màu kinh tế ở nước đông dân nhất thế giới

'Cây cầu' dẫn đến sự giàu có của Ấn Độ bị suy yếu sau mỗi đợt nắng nóng thiêu đốt và mưa lũ bất thường tăng lên theo từng năm.

Bằng một phép màu nào đó từ sự khôn khéo của con người và ngành công nghiệp, Ấn Độ - đất nước có diện tích chỉ lớn hơn Argentina với lượng nước ít hơn Colombia - lại có thể nuôi sống gần 1/5 dân số thế giới.

Tuy nhiên, mức nhiệt độ thiêu đốt ở thủ đô New Delhi trong tuần rồi có thể là dấu hiệu cảnh báo. "Phép thuật" duy trì thành tựu đó sắp bị phá vỡ.

Đó không chỉ là vấn đề đối với những người đang sống trên đường phố ở đô thị lớn thứ hai thế giới, mà còn là bài toán nan giải đối với con đường dẫn tới sự giàu có mà 1,4 tỷ người trên đất nước này đang hướng đến.

Sóng nhiệt đe dọa nền kinh tế

Ấn Độ có quỹ đất đai tự nhiên nghèo nàn hơn nhiều so với châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc - những nền kinh tế lục địa đang dẫn đầu trên con đường đi đến giàu có.

Ngay cả những lợi ích mong manh mà người dân Ấn Độ đã cố gắng kiếm được từ vùng đất vốn không mấy hứa hẹn này thậm chí có thể mất đi nhanh hơn, khi biến đổi khí hậu bộc lộ sự mong manh sâu sắc của nó, cuốn trôi cả nền tảng của sự tăng trưởng.

 Những cơn sóng nhiệt ngày càng tăng đe dọa đến con đường phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Những cơn sóng nhiệt ngày càng tăng đe dọa đến con đường phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Thủ tướng Narendra Modi đưa ra lời kêu gọi trong cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 1/6 rằng đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đã đưa đất nước này trở thành nền kinh tế Nhóm 20 phát triển nhanh nhất. "Ấn Độ đang trên con đường trở thành một quốc gia phát triển", ông phát biểu tại một cuộc mít tinh tuần này ở Tây Bengal, khu vực mà trước đây BJP hoạt động kém hiệu quả.

Nhưng khi ông nói những lời đó, đất nước đang phải vật lộn với những nhiệm vụ sinh tồn cơ bản nhất. Delhi ghi nhận ca tử vong do say nắng đầu tiên trong bối cảnh nhiệt độ được ghi lại bởi một cảm biến lên tới 52,9 độ C (127,2 độ F) - con số này phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của Ấn Độ, song cũng đang có những nghi ngại rằng cảm biến này có thể đã bị sai sót.

9 người chết vì nắng nóng ở bang Rajasthan phía tây bắc vào tuần trước và 10 trường hợp tử vong nghi ngờ liên quan đến nắng nóng đã xảy ra chỉ trong 6 giờ tại một bệnh viện ở bang Odisha ở phía đông đất nước. Ngay cả ngôi sao Bollywood Shah Rukh Khan cũng phải nhập viện vì mất nước ở thành phố Ahmedabad trong tháng này.

Vấn đề đối với lời hứa của ông Modi là phần lớn công việc cần làm để đạt được vị thế quốc gia phát triển đều phụ thuộc vào thời tiết. Ấn Độ có ngành nông nghiệp lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, và tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào những cơn mưa gió mùa tây nam đem tới nguồn nước dồi dào từ tháng 6 đến tháng 9.

Bây giờ, nắng nóng khiến khó khăn chồng chất. Nhiệt độ thiêu đốt từ tháng 3 đến tháng 5 làm tàn lụi cây trồng, chẳng hạn như đợt nắng nóng năm 2022 khiến sản lượng lúa mì giảm khoảng 4,5%. Sản phẩm trồng trọt có thể bị hư hỏng do nhiệt độ, độ ẩm và thiếu tủ lạnh khiến chúng bị thối rữa trước khi đến tay các hộ gia đình. Giá rau đã tăng ở mức hai con số trong 10 tháng qua, gây áp lực lên chi phí sinh hoạt và buộc người tiêu dùng phải phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng rẻ hơn, kém lành mạnh hơn.

 Những người lao động ngoài trời căng mình trước sóng nhiệt khủng khiếp.

Những người lao động ngoài trời căng mình trước sóng nhiệt khủng khiếp.

Những cơn mưa đánh dấu sự kết thúc của đợt nắng nóng có thể mang đến những vấn đề khác. Không khí nóng hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, làm tăng nguy cơ mưa bão, nghiêm trọng đến mức làm ngập đồng ruộng và cuốn trôi mùa màng. Mưa đá, thứ có thể phá hủy toàn bộ cánh đồng chỉ trong vài phút, dường như ngày càng diễn ra thường xuyên hơn: Một nghiên cứu gần đây ở Kashmir đã ghi nhận 27 thảm họa như vậy vào năm 2022, trong khi năm 2007 chỉ có 2 trường hợp.

"Cây cầu" tới sự giàu có suy yếu

Trong khi công nhân nhà máy và dân văn phòng có thể làm việc cả ngày trong điều kiện thoải mái, có điều hòa bất kể nhiệt độ bên ngoài như thế nào, khoảng 93% lực lượng lao động Ấn Độ làm những công việc thiếu tổ chức và không có người sử dụng lao động nào đảm bảo điều kiện làm việc tốt.

Khi nhiệt độ lên tới trên 40 độ C, nông dân và người lao động thành thị không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ dụng cụ xuống để nghỉ ngơi hoặc đối mặt với nguy cơ say nắng thảm khốc.

Thực tế đó cản trở đạt được khối lượng xây dựng mà một nền công nghiệp phát triển yêu cầu. Các quốc gia có thu nhập trung bình cao (nhóm mà Ấn Độ muốn tham gia) thường đạt được khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế từ việc hình thành vốn cố định - nói một cách đơn giản là xây dựng mọi thứ. Ấn Độ chưa làm được điều đó như Việt Nam và Bangladesh về mặt này và chậm hơn Trung Quốc rất nhiều.

Tính đến cuối năm 2022, Ấn Độ được cho là chỉ có khoảng 30% cơ sở hạ tầng đô thị cần thiết vào cuối thập kỷ này. Mùa mưa được cho là giai đoạn dễ dàng hơn cho xây dựng. Ba năm liên tiếp có đợt nắng nóng kỷ lục đồng nghĩa với những tháng hè nóng nực từ tháng 3 đến tháng 6 cũng bị ảnh hưởng, càng siết chặt hơn thời gian các công trình xây dựng có thể hoạt động hiệu quả.

 "Cây cầu" dẫn đến sự giàu có của Ấn Độ bị suy yếu sau mỗi đợt nắng nóng thiêu đốt và gió mùa bất thường tăng lên theo từng năm.

"Cây cầu" dẫn đến sự giàu có của Ấn Độ bị suy yếu sau mỗi đợt nắng nóng thiêu đốt và gió mùa bất thường tăng lên theo từng năm.

Vấn đề lượng khí thải carbon đang nhanh chóng khiến khí hậu của Ấn Độ đi tới viễn cảnh không thể chịu nổi nhưng rất ít trong số khí thải đó do nước này gây ra. Song, họ phải tự chịu trách nhiệm về tương lai.

Năng lượng mặt trời giá rẻ chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu được lắp đặt ở mức cần thiết để đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo của chính phủ.

Các trạm sạc công cộng dành cho xe điện có thể giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm ngột ngạt ở các thành phố của Ấn Độ. Hiện có 12.146 chiếc đang hoạt động, chỉ tương đương với chưa đến 1% những gì nước này sẽ cần vào năm 2030.

Mọi khía cạnh chính trị đều muốn Ấn Độ trở thành quốc gia giàu có mà người dân nước này khao khát. Tuy nhiên, "cây cầu" dẫn đến mục tiêu đó bị suy yếu sau mỗi mùa hè nắng nóng thiêu đốt và gió mùa bất thường.

Đối với một quốc gia hy vọng trong thập kỷ tới sẽ công nghiệp hóa mà không phát thải carbon, nguy cơ là quốc gia này có thể rơi vào tình trạng tồi tệ nhất của cả hai thế giới: bị mắc kẹt trong quá khứ sử dụng nhiều carbon, bị cản trở bởi sức nóng thiêu đốt của chính mình trong việc xây dựng nền kinh tế trong tương lai.

Đinh Phạm

Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nang-nong-ky-luc-de-doa-phep-mau-kinh-te-o-nuoc-dong-dan-nhat-the-gioi-post1478473.html