Nắng nóng, lũ lụt và cây xanh
Sau những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài là những ngày mưa lớn dẫn đến lũ lụt, sạt lở ở nhiều địa phương trong cả nước gây hậu quả nghiêm trọng. Người ta nói nhiều đến biến đổi khí hậu. Và cả trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Mùa hè năm 2023, trong cả nước xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Không hiếm các địa phương, nhiệt độ thường xuyên được ghi nhận ở mức trên 40 độ C. Nắng nóng khiến cho cuộc sống của con người bị ảnh hưởng rất lớn.
Để vượt qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt, đã có muôn kiểu trốn nắng. Người có điều kiện thì lựa chọn ở trong phòng kín bật điều hòa mát lạnh; người đến trung tâm thương mại, quán cà phê; thậm chí, có không ít người còn rủ nhau vào các hang trên núi để… trốn nắng. Vậy nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế, để chờ cho nắng nóng đi qua. Và dĩ nhiên không ai biết được, qua hết mùa nắng nóng năm nay, thì những năm sau, nắng nóng liệu sẽ còn khắc nghiệt nhường nào?!
Quả thực, nắng nóng kỷ lục đã khiến con người buộc phải thích nghi, cùng với đó là những “giới hạn” sinh tồn cũng liên tục được “nới rộng”.
Tôi nhớ, ngày mình còn nhỏ, vào mùa hè, hôm nào nghe dự báo thời tiết nhiệt độ lên khoảng 36,37 độ C là khắp làng trên xóm dưới, mọi người đã rủ nhau nhanh nhanh công việc trong ngày để sớm nghỉ ngơi tránh nắng. Ngày ấy, dẫu có mất điện người ta vẫn có thể vui vẻ, thoải mái phe phẩy chiếc quạt mo cau dưới mái hiên nhà, cùng ngắm trăng thanh, hưởng gió mát, nói chuyện xóm làng.
Ngày ấy, tường rào mỗi nhà vẫn là những hàng chè mạn xanh mát được trồng khéo léo bao bọc xung quanh. Ngoài ra còn có những cây dừa, vú sữa… cao vun vút, phủ bóng mát. Vậy nên ngày ấy trong xóm, ngoài chiếc quạt điện, nào có ai biết đến điều hòa, máy lạnh.
Cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy, xóm làng quê tôi cũng dần thay đổi. Nhà cao tầng bê tông lần lượt thay thế nhà mái ngói; chẳng còn ai nhớ đến hàng rào chè mạn năm xưa; cây cối trong vườn nhà cũng dần biến mất. Và hầu như nhà nào cũng có một vài chiếc điều hòa. Để trong những ngày hè nắng bỏng rát, xóm làng tịnh chẳng một tiếng ve kêu, tiếng chim hót, chỉ có tiếng quạt gió điều hòa kêu mải miết cùng hơi nóng phả ra khiến không gian càng ngột ngạt. Tuy nhiên, dường như chẳng mấy ai quan tâm tới điều đó. Và như cách nói cửa miệng của nhiều người, thì trong những ngày nắng nóng, điều hòa là “chân ái”.
Tôi nhớ, đã đọc được ở đâu đó phân tích, đại ý, trời nóng thì phải bật điều hòa và các thiết bị làm mát, tuy nhiên khí thải từ các thiết bị cũng được xem là nguyên nhân khiến cho trái đất nóng lên. Dĩ nhiên, nắng càng nóng, lại càng phải phụ thuộc vào thiết bị làm mát, và thời tiết lại càng nóng… tất cả giống như một vòng luẩn quẩn?!
Còn bản thân mình, trong những ngày hè nóng bức, tôi lại nhớ đến và muốn trốn về quê ngoại. Nơi đó, có ngôi nhà của ngoại tôi ẩn mình dưới những tán cây xanh mướt với đủ loại hoa trái theo mùa. Tôi nghe mẹ kể, cây trong vườn nhà bà ngoại, từ mít, vú sữa, nhãn… đều đã có tuổi ngót… nửa thế kỷ, được trồng từ khi mẹ tôi còn nhỏ. Có lẽ bởi vậy mà hầu hết cây cối trong vườn đều to lớn, vòng tay người ôm không xuể. Những ngày hè dẫu có nóng bức, được ngồi dưới tán cây xanh trong vườn nhà ngoại lại khiến con người như khỏe ra.
Đáng nói, những năm qua, đã có không ít người sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu để mua các cây trong vườn nhà ngoại tôi, nhưng bà nhất định không bán. Có người bảo bà tôi già rồi nên “gàn”, bán đi vườn cây vừa có khoản tiền lớn, nếu thích, có thể trồng cây mới, tội gì không bán.
Và tôi, đã hỏi ngoại, về lý do tại sao bà không bán đi những cây trong vườn. Bà nói: bà trồng cây không phải để bán lấy tiền. Trồng cây để chắn gió bão thổi vào nhà, còn mùa hè thì có bóng mát; tiền bạc có bao nhiêu cũng không đổi lại được không khí thoáng đãng, trong lành. Muốn mát mẻ, dễ chịu thì sao có thể thiếu bóng cây xanh. Vả lại, nếu bà bán đi cây cối trong vườn để đổi lấy tiền, thì ngày hè nóng bức, con cháu về quê biết ngồi hóng mát ở đâu. Rồi hàng xóm nữa, ngày hè nhiều người ra nhà mình ngồi mát lắm…
Thì ra, sống gần trọn cuộc đời, bà tôi hiểu, ngoài tiền bạc thì có nhiều thứ quý giá hơn, như môi trường sống của chính chúng ta vậy. Với bà ngoại tôi, “thiết bị” làm mát hữu hiệu nhất, chính là cây xanh. Cây xanh giúp cho không khí được điều hòa, giảm ô nhiễm môi trường. Và cây xanh còn có tác dụng giữ nước, giữ đất, chống xói mòn.
Sau liên tiếp những đợt nắng nóng là mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Những ngày gần đây, trong cả nước xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét. Đặc biệt mới đây nhất là vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã vùi lấp nhiều người vô cùng thương tâm; rồi lũ quét xảy ra ở Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và của. Nguyên nhân ban đầu được chỉ ra do mưa lớn diễn ra dài ngày.
Vậy nhưng bên cạnh đó, nhiều người cũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng xảy ra còn là bởi việc chặt phá rừng tùy tiện của con người. Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư “thốt” lên đầy chua xót: “Rừng còn không giữ được chính nó, hơi sức đâu mà phụ người ta giữ đất đừng sạt lở”.
Phải rồi, trước lòng tham và sự vô tâm bất chấp của con người, những năm qua, rừng xanh - lá phổi xanh của trái đất không ngừng bị tàn phá, chảy máu. Mặc cho những nỗ lực bảo vệ, kêu gọi trồng mới rừng; ở đâu đó, vẫn có những kẻ vì lòng tham mà đang tâm khiến rừng chảy máu. Và khi thiên nhiên bị tổn thương, nổi giận, thì hậu quả tất yếu chính là môi trường sống của chính chúng ta bị ảnh hưởng, con người phải gánh chịu.
Để có bóng mát cây xanh vào mùa hè, bạn đương nhiên phải chấp nhận việc có thể mất một khoảng không gian trước nhà, hay lá sẽ trút vào mùa thu, mùa đông. Nhưng điều đó có là gì so với những lợi ích mà cây xanh mang lại. Từ phố thị đến làng quê, từ đồng bằng đến miền núi cao, có nơi nào, cây xanh không quan trọng. Trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng không phải cho ai, vì ai, mà chính là để bảo vệ môi trường - cuộc sống của chúng ta.