Nắng nóng tại miền Tây Nam nước Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn nữa
Các chuyên gia dự báo nhiệt độ sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, phá vỡ các kỷ lục ghi nhận trước đó tại miền Tây Nam nước Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nắng nóng thiêu đốt tiếp tục bao trùm các khu vực của Mỹ, trải dài từ bang California đến phía Nam bang Florida.
Các chuyên gia thời tiết dự báo nhiệt độ sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, phá vỡ các kỷ lục ghi nhận trước đó tại miền Tây Nam nước này, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) đã đưa ra cảnh báo và khuyến nghị về tình trạng nhiệt độ tăng cao tại các khu vực sống của khoảng 100 triệu cư dân. Thời tiết nắng nóng cực độ dự kiến kéo dài đến tuần sau.
Thành phố Phoenix, bang Arizona đã trải qua 13 ngày nắng nóng liên tiếp với nhiệt độ ở mức tối thiểu là 43 độ. Đợt nắng nóng này tại Phoenix được dự báo kéo dài đến tuần sau, có thể phá vỡ kỷ lục 18 ngày nắng nóng trên 43 độ C được ghi nhận vào tháng 6/1974. Với nhiệt độ thấp hơn về đêm, khoảng 32 độ C, thời tiết tại đây được dịu bớt một phần.
Trong khi đó, nhiệt độ tại thành phố Las Vegas, bang California đã tăng vọt lên 42 độ C vào ngày 12/7, dự kiến chạm mức cao nhất trong lịch sử là 47 độ C vào ngày 16/7.
Nhà chức trách khu vực này đã mở 167 điểm tránh nóng miễn phí cho người dân, trong đó có sử dụng các máy điều hòa không khí để cân bằng nhiệt độ.
Chuyên gia của NWS tại Phoenix, ông Tom Frieders, cho biết tình trạng sóng nhiệt sẽ bao trùm khắp các bang California, Nevada, Arizona đến tận phía Tây bang Texas vào cuối tuần này, nhấn mạnh nắng nóng có thể lên đến đỉnh điểm từ ngày 14-17/7.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến đợt nắng nóng cực đoan lần này, chuyên gia Ashton Robinson Cook tại Trung tâm dự báo thời tiết Mỹ cho biết đó có thể là do ảnh hưởng của một dải không khí tù đọng trong bầu khí quyển, ngăn các luồng không khí mát hơn và bão xâm nhập khu vực này.
Chuyên gia cho biết bang Texas ghi nhận nhiệt độ khoảng 37 độ C vào ngày 12/7, song trên thực tế, khi kết hợp cả nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí (chỉ số nóng bức) thì sức nóng của khu vực này sẽ tương đương mức 46 độ C tại một số nơi.
Theo ông Cook, nước biển ấm hơn đã khiến bầu không khí thêm ẩm ướt, dẫn đến việc chỉ số nóng bức (heat index) tăng cao hơn tại phần lớn các khu vực của bang.
Giới chức y tế Mỹ khuyến cáo người dân cần đề phòng nắng nóng gay gắt, tránh ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ cao nhất ngày từ 10-15h, giảm hoạt động thể chất, giữ nước cho cơ thể và chú ý đến sức khỏe của những người dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ, người vô gia cư... Nhà chức trách cảnh báo sóng nhiệt cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Trong khi miền Tây Nam nước Mỹ đối mặt nắng nóng cực độ, thì bang Vermont cũng như các bang Đông Bắc khác lại đang hứng chịu các đợt mưa lớn dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng.
NWS cảnh báo nguy cơ lượng mưa gia tăng tại khắp các khu vực thuộc New England, nơi vốn đã ghi nhận mực nước sông hồ rất cao.
Nước lũ gần như nhấn chìm thành phố trung tâm Montpelier với 8.000 dân của bang Vermont, gây thiệt hại về đường sá và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nước sạch của thành phố này.
Thời tiết cực đoan cũng đe dọa thành phố lớn thứ 3 nước Mỹ Chicago, vốn đã chứng kiến giông bão dữ dội với nguy cơ lốc xoáy. NWS cho biết đã ghi nhận ít nhất 4 cơn lốc xoáy tại khu vực này.
Theo các nhà khoa học, tần suất và cường độ ngày càng tăng của thời tiết khắc nghiệt tại Mỹ là biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu./.