Nắng nóng tổn hại đến não bộ con người như thế nào?
Một nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ cao có thể gây tổn hại não bộ, làm suy giảm khả năng nhận thức, khiến con người dễ trở nên cáu kỉnh, bốc đồng và hung hăng hơn.
Vào tháng 7.2016, một đợt nắng nóng đã ập xuống Boston (Mỹ) với nhiệt độ ban ngày trung bình ở mức trên 33 độ C và trong 5 ngày liên tiếp. Một số sinh viên đại học địa phương ở lại thị trấn vào mùa hè đó may mắn được sống trong ký túc xá có máy điều hòa trung tâm. Nhưng số khác lại bị mắc kẹt trong ký túc xá cũ không trang bị thiết bị làm mát.
Jose Guillermo Cedenõ Laurent, nhà nghiên cứu ở Harvard (Mỹ) vào thời điểm đó đã quyết định thử nghiệm tự nhiên xem nhiệt độ, đặc biệt là nhiệt độ ban đêm, ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất nhận thức của người trẻ. Ông đã yêu cầu 44 sinh viên thực hiện các bài kiểm tra toán học và khả năng tự chủ 5 ngày trước khi nhiệt độ tăng.
"Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mình miễn nhiễm với nhiệt. Vì vậy, điều tôi muốn kiểm tra là liệu điều đó đúng hay không", ông Cedenõ chia sẻ.
Kết quả cho thấy ngay cả những sinh viên đại học trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Vào những ngày nóng nhất, sinh viên trong ký túc xá không có điều hòa không khí, ở nơi nhiệt độ ban đêm trung bình là 26 độ C, đã làm bài kiểm tra mỗi buổi sáng kém hơn so với người ở phòng có điều hòa (với nhiệt độ duy trì mức dễ chịu là gần 22 độ C).
Nhiệt độ cao có thể gây tác động đáng lo ngại đối với cơ thể như: làm tăng nguy cơ đau tim, say nắng, đặc biệt với người cao tuổi và mắc bệnh mạn tính. Không chỉ vậy, thử nghiệm cũng cho thấy sức nóng cũng gây tổn hại não bộ, làm suy giảm khả năng nhận thức, đồng thời khiến chúng ta trở nên cáu kỉnh, bốc đồng và hung hăng.
Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho ra kết quả tương tự thử nghiệm của tiến sĩ Cedenõ. Theo đó, điểm số trong bài kiểm tra nhận thức giảm khi các nhà khoa học tăng nhiệt độ phòng.
Một nghiên cứu phát hiện ra chỉ cần tăng 4 độ C - mức mà những người tham gia mô tả là vẫn cảm thấy thoải mái - đã dẫn đến hiệu suất giảm trung bình 10% trong bài kiểm tra về trí nhớ, thời gian phản ứng và chức năng điều hành.
Điều này có thể gây ra hậu quả. R. Jisung Park, nhà kinh tế học về môi trường và lao động tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã xem xét điểm kiểm tra tiêu chuẩn ở trường trung học. Ông phát hiện ra điểm số giảm 0,2% cho mỗi độ F (tương đương với khoảng 0,56 độ C), bắt đầu từ 22,2 độ C trở lên.
Nhiệt độ này nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó có thể tăng lên đối với những học sinh phải làm bài kiểm tra trong phòng không có điều hòa giữa đợt nắng nóng trên 32 độ C.
Trong một nghiên cứu khác, tiến sĩ Park nhận thấy ngày càng có nhiều ngày nóng hơn mức trung bình trong năm học. Điều này khiến học sinh càng làm bài kiểm tra tiêu chuẩn tệ hơn, đặc biệt khi nhiệt độ vượt quá 27 độ C.
Ông cho rằng có thể là do việc tiếp xúc nhiều hơn với nhiệt độ cao đã ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Theo tiến sĩ Park, hiệu ứng này "rõ rệt hơn đối với học sinh có thu nhập thấp và thuộc nhóm thiểu số", có thể vì ở trường và nhà họ ít khả năng trang bị máy điều hòa không khí hơn.
Các nhà nghiên cứu lần đầu phát hiện ra mối liên hệ giữa nhiệt độ và sự hung hăng bằng cách xem xét dữ liệu tội phạm. Họ nhận thấy nhiều vụ tấn công và bạo lực gia đình xảy ra hơn vào ngày nóng.
Mối liên hệ này cũng áp dụng cho hành vi phi bạo lực. Khi nhiệt độ tăng, mọi người có xu hướng bóp còi xe khi tham gia giao thông và bình luận mang tính thù hận trên mạng nhiều hơn.
Trong thí nghiệm năm 2019, so với ở phòng mát, người tham gia tại phòng nóng hành động gay gắt với người khác hơn khi chơi trò chơi video được thiết kế đặc biệt.
Phản ứng hung hăng có xu hướng đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ. Điều này có lẽ vì chúng ta có xu hướng dễ nghĩ hành động của người khác là thù địch hơn vào ngày nóng, và phản ứng theo kiểu tương tự.
Kimberly Meidenbauer, Phó giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Washington (Mỹ), cho rằng sự gia tăng hành vi gây hấn mang tính phản ứng này có thể liên quan đến ảnh hưởng của nhiệt độ đến nhận thức, đặc biệt là sự suy giảm khả năng tự kiểm soát.
"Xu hướng hành động mà không suy nghĩ, hoặc không thể ngăn mình hành động theo một cách nào đó, cũng có vẻ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ", bà Meidenbauer nói.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tại sao nhiệt độ lại ảnh hưởng đến nhận thức và cảm xúc của con người, nhưng có một số giả thuyết được đặt ra.
Đầu tiên là nguồn lực của não đang bị phân tán để giữ cho cơ thể mát mẻ hơn, khiến năng lượng còn lại cho việc khác ít hơn.
"Nếu bạn phân bổ tất cả máu và glucose đến các phần của não và tập trung vào việc điều hòa nhiệt độ, rất có khả năng rằng bạn sẽ không còn đủ năng lượng cho một số chức năng nhận thức cao cấp khác", tiến sĩ Meidenbauer nói.
Bạn cũng có thể bị phân tâm và khó chịu vì cảm thấy nóng bức, khổ sở, thực ra đó là một trong những phản ứng đối phó của não.
Nếu bạn không thể làm mát cơ thể, não của bạn sẽ "khiến bạn cảm thấy còn khó chịu hơn nữa, nhằm thúc đẩy bạn tìm kiếm thứ cần thiết để sinh tồn một cách mãnh liệt hơn", Shaun Morrison, Giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) nhận định.
Ảnh hưởng của nhiệt độ tới giấc ngủ cũng có thể đóng vai trò nhất định. Trong nghiên cứu ở Boston, thời tiết càng nóng thì giấc ngủ của học sinh càng bị gián đoạn và khiến kết quả bài kiểm tra càng tệ.
Cách tốt nhất để giảm bớt tác động này là cố gắng làm mát cơ thể càng sớm càng tốt. Nếu bạn không đủ điều kiện để sử dụng điều hòa, quạt cũng có thể hỗ trợ và hãy chắc chắn giữ cho cơ thể đủ nước. Điều quan trọng nhất đối với não, tâm trạng và nhận thức của bạn là nhiệt độ cơ thể, chứ không chỉ nhiệt độ bên ngoài.