Nâng quy mô tổng đàn bò sữa lên 35.000 con

Ngành chăn nuôi Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng con giống bò sữa và sản lượng sữa tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm mục tiêu tăng tổng đàn lên 35.000 con vào năm 2025.

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực để tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong 5 năm tới

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực để tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong 5 năm tới

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, thống kê đến cuối tháng 3/2021, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh có hơn 24.230 con. Trong đó, phân bổ 4 trang trại quy mô lớn, mỗi trang trại chăn nuôi hơn 300 con bò sữa tại các Công ty Vinamilk, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, Công ty TNHH bò sữa Lâm Đồng, Công ty TNHH bò Kobe Việt Nam. Còn lại gồm hơn 80 trang trại chăn nuôi quy mô vừa (từ 30-299 con/trang trại), gần 755 trang trại qui mô nhỏ (từ 10-29 con/trang trại) và 380 hộ chăn nuôi (hơn 9 con/hộ)...

Đánh giá chung cho thấy, nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được chú trọng đầu tư cải tiến chuồng trại, cơ giới hóa, từng bước thay đổi phương thức chăm sóc, nuôi dưỡng, chuyển hướng chăn nuôi tập trung, ứng dụng đồng bộ công nghệ thông minh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam là: Trại chăn nuôi bò sữa Oranic tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh và Trang trại Oranic tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương với số lượng lần lượt khoảng 300 con và gần 720 con. Tại các doanh nghiệp khác như Công ty Vinamilk, Công ty Dalatmilk, Công ty Cổ phần bò Kobe Việt Nam đã đầu tư xây dựng các hệ thống mái che chuồng trại bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt, hệ thống quạt cảm ứng nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi để làm mát không khí; hệ thống cào phân tự động, sử dụng công nghệ xử lý phân, nước thải nhằm bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, mỗi con bò sữa còn được gắn chíp điện tử kết nối với máy tính và điện thoại để theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi, sức khỏe, bệnh tật hàng ngày. Ở khâu chăm sóc dinh dưỡng cho bò sữa, các doanh nghiệp này cũng đã sử dụng robot cung cấp thức ăn đến từng đường máng, gắn hệ thống massage tự động, lắp đặt hệ thống loa mở nhạc để kích thích bò tăng năng suất sữa hàng ngày. Riêng chăn nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình đạt tỷ lệ trên 95% chuồng trại sử dụng máy vắt sữa tươi thu hoạch, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Kết quả đến nay, năng suất sữa tươi bình quân thu hoạch trên tổng đàn bò sữa Lâm Đồng đạt từ 20-22 lít/con/ngày, tương ứng tổng sản lượng khoảng 260 tấn/ngày, nhân thành 94.900 tấn/năm. Trong đó chiếm khoảng 70% tỷ lệ sản lượng do Công ty Vinamilk thu mua; Công ty Friesland Campina VietNam (Cô gái Hà Lan), Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) thu mua khoảng 15% và 10%. Còn lại tỷ lệ 5% sản lượng sữa tươi tiêu thụ chế biến sữa chua tại chỗ trong dân theo nhu cầu sử dụng hàng ngày…

Mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng nâng quy mô tổng đàn bò sữa lên đến 35.000 con, tương ứng tổng sản lượng sữa tươi 135.000 tấn, trong đó đạt tỷ lệ trên 95% sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng. Để đạt được các mục tiêu này - theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng - giải pháp trọng tâm là tiếp tục nâng cao chất lượng con giống bò sữa thông qua các ứng dụng khoa học kỹ thuật về thụ tinh nhân tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi trang trại tập trung trên địa bàn. Cùng với đó, giải pháp chính sách khuyến khích thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư liên kết với người nông dân hiện đại hóa các khâu chăn nuôi bò sữa, tăng năng suất, chất lượng sữa tươi gắn với chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng ổn định lâu dài. Ngoài ra, trên các vùng chăn nuôi bò sữa cũng cần chuyển đổi các giống cỏ đạt năng suất và giá trị dinh dưỡng thức ăn thô xanh nhiều hơn, từ đó tăng khả năng cạnh tranh từ chất lượng bò sữa tươi nguyên liệu đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng.

“Xác định bò sữa vẫn là vật nuôi chủ lực để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó tăng thu nhập cho người chăn nuôi…”, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng định hướng.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/nang-quy-mo-tong-dan-bo-sua-len-35000-con-3055663/