Năng rèn ý thức
Tháng 9 - Tháng An toàn giao thông - vừa đi qua với những con số đáng mừng: Tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 mặt. 9 tháng đầu năm TNGT cũng giảm cả 3 mặt so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả sự cố gắng của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế TNGT vẫn còn ở mức cao, sự vi phạm pháp luật về giao thông còn quá nhiều, đòi hỏi việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Tháng ATGT năm nay toàn quốc xảy ra 1.344 vụ TNGT, làm chết 563 người, bị thương 1.032 người; giảm 116 vụ (7,95%), giảm 83 người chết (12,85%), giảm 87 người bị thương (7,77%), so với Tháng ATGT năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 xảy ra 12.675 vụ TNGT làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người, cho thấy TNGT cũng đều giảm mạnh 3 mặt: giảm 567 vụ (4, 28%), giảm 353 người chết (5,87%), giảm 700 người bị thương (6,78%).
Và như vậy, TNGT những năm gần đây đã liên tục giảm. Nếu như năm 2011 có 11.349 người chết vì TNGT thì năm 2014 giảm còn khoảng 9.000 người, năm 2018 giảm còn 8.279 người, và 9 tháng đầu năm 2019 này là 5.659 người. Đây là những con số rất đáng mừng. Bởi nếu nhìn lại con số những năm 2000-2010, TNGT mỗi ngày đều có khoảng 30 người chết, thậm chí có năm mỗi ngày tính ra đến 35 người chết, thì với con số mỗi ngày có khoảng hơn 20 người chết vì TNGT hiện nay là kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, dù sao số người chết vì TNGT mỗi ngày vẫn cao. Con số của Ủy ban ATGT quốc gia, của Bộ Công an đưa ra là con số chính, nhưng con số từ các bệnh viện thì số người chết vì TNGT còn cao hơn nhiều. Năm 2017 theo Ủy ban ATGT quốc gia có khoảng hơn 8.000 người chết vì TNGT, nhưng số liệu của Bộ Y tế có đến 15.000 người chết, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới phải hơn 22.000 người chết liên quan TNGT. Thực tế như 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 vừa qua, đã xảy ra 137 vụ TNGT làm chết 96 người, bị thương 96 người. Nhưng con số gần 10.000 người phải vào các bệnh viện trong cả nước để khám, cấp cứu trong 5 ngày là con số giật mình.
Kéo giảm TNGT như hiện nay, là sự nỗ lực rất lớn. Nhưng, vì sao TNGT hiện vẫn nan giải phức tạp, vẫn ở con số cao? Có một thực tế, hiện việc vi phạm về pháp luật giao thông còn quá nhiều. Đồng thời việc xử lý, xử phạt của CSGT vẫn còn phiến diện. Bất cứ ở đâu người ta cũng có thể nhìn thấy vi phạm, vi phạm không được xử lý, việc xử lý vi phạm chưa công bằng.
Nguyên nhân TNGT xưa nay đã được phân tích rất nhiều. Ý thức người tham gia giao thông là một nguyên nhân quan trọng. Từ người lái xe ô tô cho đến người đi bộ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về pháp luật giao thông. Người tham gia giao thông phải học, được sát hạch kỹ trước khi cấp giấy phép. Nếu như mọi người tham gia giao thông đều tuân thủ nghiêm pháp luật giao thông, chắc chắn TNGT sẽ ít khi xảy ra, sẽ giảm ở mức thấp nhất.
Vậy nhưng chưa nói đến những bất cập giao thông ở nhiều nơi. Ngay như ở Thủ đô, qua các ngã tư, ngã ba…nhìn đâu cũng thấy cảnh vi phạm pháp luật giao thông. Chuyện vượt đèn đỏ không chỉ của mấy thanh niên ngổ ngáo mà cả chị em phụ nữ, người đi xe đạp, xe thồ… Ngay chuyện đi xe máy đi vào đường cao tốc, làn đường dành cho ô tô, thậm chí còn đi ngược chiều vẫn cứ diễn ra.
Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), một trong những nơi thường xuyên diễn ra cảnh vi phạm pháp luật giao thông. Xe máy, xe đạp vẫn đi vào làn đường dành cho ô tô, ngay cả đi ngược chiều. Tháng 11/2018, Ủy ban ATGT quốc gia đã phải có văn bản gửi Ban ATGT Hà Nội đề nghị xử phạt nghiêm người đi mô tô, xe máy lưu thông trái phép vào đại lộ. Thế nhưng nhiều người vẫn phớt lờ. Trong khi đó, TNGT liên tục xảy ra. Ngay mới cuối tháng 9 này, một cô gái đi xe vào đại lộ đã bị ô tô cán chết, và theo các tài xế ô tô thì phương tiện xe máy này còn đi ngược đường.
Có một điều, người ta trăn trở rằng, ví như ở đại lộ Thăng Long nói trên, mọi xe máy, xe đạp…vi phạm đều bị xử lý, từ phạt nóng đến phạt nguội, thì chắc sẽ không ai dám vi phạm, sẽ không xảy ra những tai nạn thương tâm, đáng tiếc như trên. Không ai đi xe máy dại gì chỉ vì rút ngắn một đoạn đường, vì muốn đi nhanh, mà dám liều để rồi bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, bị giữ phương tiện 7 ngày, bị tước giấy phép lái xe 2 tháng, và nhất là để mất mạng như cô gái nói trên.
Mặt khác, vẫn lại câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”; những chiến dịch ra quân xử phạt rầm rộ dăm ba bữa rồi lại chìm lắng. Nơi những ngã ba, ngã tư, CSGT lại chỉ bắt mấy cháu học sinh quên đội mũ, còn không ít anh băm trợn vẫn vượt vèo vèo. Ngay cả mấy bác xe thồ, mấy chị gồng gánh vẫn cứ thản nhiên như đi dạo trên lòng đường.
Yêu cầu bắt buộc với mỗi người tham gia giao thông phải hiểu pháp luật giao thông, những quy định đối với cá nhân mình. Thực hiện tốt pháp luật giao thông cũng là thể hiện nét đẹp văn hóa của mỗi người, văn hóa cộng đồng. Việc học tập hay xử phạt nghiêm người vi phạm cũng là hình thức giáo dục để đưa con người vào khuôn khổ. Các cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp bằng, việc xử phạt, năng rèn ý thức để rồi người ta không thể, không dám và không muốn vi phạm. Có như vậy cái gốc, giải pháp để kéo giảm TNGT sẽ được thực hiện triệt để.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/nang-ren-y-thuc-tintuc449004