Nâng 'sao' cho sản phẩm OCOP
Là địa phương có số sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được công nhận dẫn đầu cả nước với 2.167 sản phẩm (chiếm 22%), song Hà Nội xác định không chạy theo số lượng mà tập trung vào chế biến sâu, sản xuất sản phẩm sạch, xanh, thân thiện môi trường, bảo đảm chất lượng phục vụ thị trường Thủ đô và hướng đến xuất khẩu…
Sản xuất miến tại Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thanh Giang
Mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường
Tại lễ công bố và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022 của thành phố Hà Nội mới đây, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (huyện Chương Mỹ) vinh dự có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao là: “Đông trùng hạ thảo nguyên con khô”, “Đông trùng hạ thảo sấy đối lưu”, “Đông trùng hạ thảo tươi”, “Đông trùng hạ thảo nguyên con tươi” và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao là “Đông trùng hạ thảo sấy đông khô”.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, đại diện công ty cho biết: Từ năm 2013, công ty có quy trình công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp. Sản phẩm tham gia OCOP giúp đơn vị quảng bá, tiếp cận các kênh phân phối chính thống, điểm bán lẻ uy tín, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, tăng doanh số bán hàng.
Cũng là đơn vị có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ cho biết: Năm 2019, hợp tác xã có sản phẩm đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP là “Trà chùm ngây Hồng Vân”. Sau khi chứng nhận, hợp tác xã được nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình giới thiệu quảng bá sản phẩm của đơn vị. Từ đây, nhiều siêu thị lớn của thành phố, cửa hàng thực phẩm biết đến và nhận bán sản phẩm. Năm 2022, hợp tác xã chọn 3 sản phẩm mới: “Trà trâu cổ”, “Trà kim ngân hoa”, “Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân” tham gia OCOP và tiếp tục được đánh giá 4 sao.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Lũy kế 4 năm qua, thành phố đã công nhận 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% số sản phẩm của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Cùng với việc đánh giá, công nhận, thành phố cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động kết nối cung - cầu cho sản phẩm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội rất chú trọng tổ chức sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng nhận diện, tiêu thụ. Đến nay, thành phố đã khai trương, đưa vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Năm 2023 là năm đầu tiên sản phẩm OCOP của Hà Nội tham gia Hội chợ hữu cơ tại Đức.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP không ngừng nâng cao chất lượng, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu như miến của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, gốm sứ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Minh, đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc...
Nâng chất cho sản phẩm
Những năm qua, Hà Nội phát triển về diện rộng và tăng rất nhanh về số lượng sản phẩm OCOP. Tuy vậy, chương trình còn một số hạn chế như nhận thức của một bộ phận cán bộ về thực hiện Chương trình OCOP chưa tốt nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có nơi hiệu quả chưa cao; chủ thể chưa quan tâm đến đổi mới bao bì nhãn mác, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, đã đến lúc Hà Nội cần tập trung hơn về vấn đề chất lượng; có kế hoạch cụ thể hỗ trợ sản phẩm OCOP 4 sao nâng cấp lên 5 sao, 3 sao lên 4 sao; cần tập trung hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm, khi làm thương mại cần duy trì và tiếp tục nâng cấp chất lượng. Ông Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý, xu thế tiêu dùng hiện đại là sản phẩm sạch, xanh, hữu cơ... vì vậy, Hà Nội cần tập trung phát triển sản phẩm theo tiêu chí này kết hợp đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu...
“Thành phố cần có kế hoạch hỗ trợ các chủ thể khắc phục điểm yếu để nâng cấp sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tập trung vào sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu; hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa để bảo đảm tính ổn định của sản phẩm”, ông Nguyễn Minh Tiến gợi ý.
Cũng về nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm có 400 sản phẩm OCOP được chứng nhận - con số này không lớn so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Cùng với đó, Hà Nội tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên sử dụng nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện môi trường.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-sao-cho-san-pham-ocop-623473.html