Nắng sẽ về trên môi em thơ
Ba hôm rồi không thấy các em Kha, Nhi, Long đến lớp, Thư sốt ruột. Cơn bão vừa rồi mạnh quá, dù đã chuẩn bị trước nhưng những hậu quả mà nó để lại thì không thể lường trước được.
Con đường duy nhất đi vào làng các em bị sạt lở, đất đá ở sườn núi thi thoảng lại vỡ ra từng mảng lăn xuống đường. Nói là làng nhưng thực ra chỉ là một khu dân cư chừng gần hai chục nóc nhà nằm heo hút, cách biệt với khu bên này bởi một ngọn núi thấp.
Mấy năm gần đây, người ta cứ lên núi chặt cây lấy củi. Nghèo mà, cần củi đun thì chặt. Chính quyền địa phương có giải thích, căn dặn, răn đe rồi nhưng họ chỉ nhăn mặt, gãi đầu gật gật rồi đâu lại vào đấy. Chính quyền canh sáng thì họ chặt trưa, canh trưa thì họ chặt tối, canh ban ngày họ chặt ban đêm. Thành ra, dần mòn cũng vài năm, núi như con vật bị hủi, trọc dần từng mảng. Cây không còn, khi mưa xuống là đất đá đau đớn bung ra chặn ngang con đường đi vào làng. Núi như cũng biết hờn biết giận, chỉ chực ai đi qua là nhả ra từng mảng đổ ầm xuống, đè lên cũng được, chôn vùi cũng được. Chỗ sạt lở nhìn gớm ghiếc như một vết lở loét lớn của con vật khổng lồ.
Sau khi bão qua, mưa tạnh, trời bắt đầu nắng ráo. Vết thương của núi ăn da non, đất keo lại. Người ta nghĩ đến việc dọn dẹp con đường để đi. Chính quyền địa phương đã cho khắc phục, dọn dẹp, gia cố con đường sau bão. Nghe đâu sáng nay mọi người có thể đi lại được. Vậy mà vẫn không thấy các em đi học.
Sáng nay, học sinh lớp Thư có môn Tin học và Tiếng Anh. Thư không có tiết dạy, cô sẽ đến Xóm Núi xem tình hình của các em Nhi, Kha, Long ra sao. Đoạn đường núi lở đã được dọn nhưng cả con đường dài đi vào Xóm Núi thì lầy lội. Thư dừng xe. Con đường dài hơn cây số toàn đất đỏ, nó đã nhão ra khi mưa xuống, lại đón thêm bùn non trên núi đổ xuống giờ sền sệt, rồi nham nhở bởi những lượt người qua lại. Những vũng to vũng nhỏ, những vết chân, vết bánh xe quấn vào nhau, đè lên nhau chằng chịt. Thế này mà đi xe vào thì chắc đến trưa mình cũng chưa đến được nhà các em mà không khéo đến tối còn chẳng về được nhà mình. Mình sẽ bị mắc kẹt giữa những bùng nhùng, bầy nhầy kia mất. Thư nghĩ vậy. Cô quyết định quay xe gửi vào một nhà gần đó.
Đôi giày Thư cũng gửi lại rồi. Cô xắn quần bước đi. Đường đất trơn quá. Thư mắm môi, thận trọng bước từng bước một. Cô men theo ven đường, chọn những chỗ bùn đã quánh lại mà đi. Nắng đã mấy hôm nhưng do người ta đi lại nhiều lần nên bùn đất vẫn không thể nào khô lại được, cứ nhão ra. Có chỗ, đường vẫn còn đọng nước, Thư bước hụt vào, bùn quấn lấy bám đến tận bắp chân. Có những chỗ bùn như hùa nhau dốc sức hút chặt lấy chân Thư xuống, không cho nhấc lên. Thư bước dò dẫm từng bước một thật cẩn thận mà cứ ngất ngư như người say, chỉ chực ngã. Thế này thì các em làm sao đến lớp được. Cha mẹ các em thì bận đi làm, lo cái ăn hàng ngày chứ có thời gian đâu mà đưa đón. Chờ đường khô, đi lại dễ dàng chắc phải nghỉ học đến cả tuần, có khi nửa tháng. Thư nghĩ vậy, chợt thấy lòng mình rưng rưng.
- Cô giáo kìa!
- Cô ơi! Cô ơi!
Thư nhìn về phía có tiếng reo, tiếng gọi. Là hai em học sinh của cô. Cô cố bước nhanh nhất có thể trên con đường nhầy nhụa bùn đất để tiến đến chỗ các em.
- Cô ơi! Chúng em không đi được nữa.
- Cô ơi, đường trơn quá, em bị ngã, bẩn hết cặp sách rồi!
Nhi và Long vừa mếu máo vừa nói với Thư. Thư vừa đến nơi, cô bé Nhi òa khóc. Chiếc cặp sách trên lưng em lấm lem bùn đất. Đôi bàn tay cũng dính bùn, quần áo cũng dính bùn, khuôn mặt cũng vài vệt bùn lem, chỉ có đôi mắt ngấn nước long lanh. Nhìn cảnh hai học trò nhỏ giữa những bùn lầy bủa vây, Thư không cầm lòng được. Cánh mũi cô phập phồng, sống mũi cay cay và những giọt nước mắt cứ lặng lẽ thi nhau rơi xuống. Thư đưa tay đỡ lấy chiếc cặp của Long đeo lên vai, xách cả chiếc cặp lấm bùn của Nhi, đưa hai em quay về nhà.
- Cô đưa các em về nhà đã, rồi mình tính sau. Hôm nay cũng muộn học rồi.
Thư đi trước, hai trò nhỏ lặng lẽ bấm bùn theo sau.
- Cẩn thận. Đi theo cô nhé!
- Vâng ạ!
- Chân bấm xuống kẻo trơn ngã…
- Vâng ạ!
Cứ như vậy, ba cô trò cuối cùng cũng vượt qua được quãng đường lầy lội. Các em đưa cô giáo Thư về nhà mình. Đang đi, con bé Nhi chỉ về phía ngôi nhà trước mặt nói:
- Cô ơi nhà bạn Kha kia kìa. Bạn Kha cũng muốn đi học với tụi em lắm mà sách bạn bị ướt hết rồi.
Thư đứng sững lại trước cổng ngôi nhà mà Nhi chỉ. Một cảm giác nghèn nghẹn cứ dâng lên trong lòng cô, lên ngực, lên cổ rồi nó trào ra qua khóe mắt. Trước mắt cô, Kha đang ngồi bên hiên nhà buồn thiu. Những cuốn sách, cuốn vở được giở bày ra dưới sân nằm hong nắng. Những trang vở loang lổ do ướt. Những trang sách nằm ỉu xìu, dính vào nhau, dúm dó.
- Kha! Kha ơi! Cô giáo của bọn mình đến này!
Nghe tiếng gọi, Kha ngước nhìn lên. Khuôn mặt vụt sáng rồi lại buồn thiu. Ánh mắt em ngân ngấn nước. Em giơ cuốn sách đang cầm trên tay về phía Thư:
- Cô ơi! Sách vở của em ướt hết rồi! Cơn bão đã giật bung mất một tấm tôn trên mái nhà em, làm mưa rơi ướt hết. Em phơi hai hôm rồi mà vẫn chưa khô được.
Kha đưa tay quệt nước mắt. Nó chỉ mấy cuốn sách đang nằm ẹp nhẹp dưới sân, giọng nói đã đỡ buồn hơn:
- Em không dám đi đâu, cứ ngồi ở nhà canh, một lúc em lại xuống lật vài trang sách, vở cho nhanh khô cô ạ.
- Cầu trời cho nắng thật to cô nhỉ? Để sách của bạn Kha nhanh khô.
Nghe Nhi nói vậy, Kha và Long cùng hào hứng nói theo.
- Đúng rồi! Cầu trời cho nắng thật to!
Rồi cả ba đứa cùng đứng giữa sân, chúng gọi lên thật to:
- Ông trời ơi, ông cho nắng to nữa lên.
- Hôm nay, ông hãy hong khô những quyển sách của bạn Kha nhé.
- Cả những quyển vở nữa ạ!
Rồi cả ba đứa ôm nhau cười. Tiếng cười giòn tan hòa vào cơn gió mơn man rồi bay vút lên, tan ra trong nắng. Thư mỉm cười nhìn những đứa trẻ ngây thơ, vừa khóc đấy mà đã cười vui ngay được. Chúng như những con chim non, đầy khát khao về những khoảng trời cao rộng. Thư nhíu mày, phải làm sao để các em đến lớp được đây. Con đường từ Xóm Núi nối ra đường liên xã bao năm nay hễ mưa thì lầy lội bùn đất trơn trượt, mà nắng thì bụi mù, đi lại rất khó khăn, vất vả. Chính vì vậy mà học trò ít nhiều cũng nản khi đi học.
Cứ tình trạng như thế này, liệu còn bao em sẽ nghỉ học giữa chừng, bao em sẽ ở nhà do mưa bão và xa dần với con chữ. Có lẽ, cần có một con đường bê-tông thay cho con đường đất kia. Lúc đó, không những các em học sinh có thể yên tâm đến lớp sau mỗi lần mưa bão mà người dân đi lại cũng đỡ vất vả đi nhiều. Nhưng để làm được con đường bê-tông thì phải có kinh phí. Muốn có kinh phí thì phải kêu gọi. Thư cứ miên man vạch ra bao kế hoạch, bao dự định trong đầu. Điều này chắc chắn phải nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ. Còn bây giờ, điều trước mắt là đưa các học trò nhỏ kia của cô trở lại trường.
Thư nghĩ một lúc rồi quyết định sẽ ở lại đây, chờ đến trưa bố mẹ các em đi làm về, cô sẽ nói ý định của mình. Cô sẽ xin phụ huynh cùng cô đưa các em qua con đường lầy lội, sang bên kia trường. Các em sẽ mang theo quần áo, sách vở và ở lại nhà cô vài hôm cho tiện đi học. Khi nào đường sá khô đẹp các em lại về nhà. Chắc họ sẽ đồng ý thôi. Thư nghĩ vậy. Chợt nhớ ra mấy cô trò chân tay còn lấm lem bùn bất. Những mảng bùn bám vào đã dần khô lại. Cô giục mấy đứa nhỏ cùng ra giếng múc nước rửa ráy cho sạch sẽ.
Cô trò cùng ngồi ở hiên nhà. Biết ý định của cô, cả ba đứa đều rất hào hứng, chỉ mong ba mẹ nhanh về để được theo cô đến trường. Chúng reo lên sung sướng: “Vậy là chúng ta sắp được đi học rồi”. Bỗng trò Kha buồn thiu:
- Nhưng sách của tớ… Mãi vẫn chưa khô kìa. Còn ướt nhiều quá, các trang sách vẫn dính chặt vào nhau. Vở thì… tớ thử ghi rồi, mực nhòe hết cả.
Những ánh mắt trẻ thơ trên ba khuôn mặt bầu bĩnh nín lặng nhìn nhau. Nhi và Long cúi mặt như cảm thấy có lỗi vì không giúp gì được cho bạn. Thư xoa đầu lũ nhỏ, cười:
- Yên tâm đi, cô còn mấy tập vở, sẽ tặng cho Kha để thay cho những cuốn vở bị ướt nhèm kia. Còn sách, tạm thời cô sẽ mượn giùm em một bộ sách giáo khoa tại thư viện nhà trường. Chịu không nào?
Cả ba đứa thích thú nhảy cẫng lên. Riêng Kha, em không giấu nổi niềm vui mừng, ôm chầm lấy cô giáo rồi lại thẹn thùng:
- Em cảm ơn cô nhiều lắm ạ.
Trong khi chờ cha mẹ các em đi làm về, Thư giở cuốn sách Tiếng Việt ra giảng bài cho các em. Các em thích thú đọc bài ngày hôm qua bỏ lỡ: “Điều ước của vua Mi-đát”, bỗng Long ngẩn người ra một lúc rồi nói:
- Nếu em có nhiều tiền, em sẽ làm con đường nhựa đến trường thật đẹp cô ạ.
- Lúc đó, dù trời mưa chúng ta cũng không sợ bị dính bùn khi đi học nữa, nhỉ?
Nhìn mấy cô cậu học trò ngây thơ với nụ cười tươi rói trên môi, Thư dịu dàng mỉm cười. Ngoài kia, nắng đang rực rỡ. Ngày mai các em lại có thể đến trường. Những nụ cười sẽ giòn tan hơn nữa.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nang-se-ve-tren-moi-em-tho-post73849.html