Năng suất lao động Việt Nam tăng tốc, nhưng vẫn thấp xa so với ASEAN-6

Năm 2019, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), theo giá so sánh (năm 2010) tăng 6,28%. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới mới có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước ASEAN-6.

Năng suất lao động của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế nhưng đây lại là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất (10,62%)

Năng suất lao động của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế nhưng đây lại là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất (10,62%)

Trong báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, năm 2019, NSLĐ Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), theo giá so sánh (năm 2010) tăng 6,28%, giúp duy trì mức tăng NSLĐ toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Như vậy, tiêu chí này đã đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21-2-2017 của Chính phủ (tăng trên 5,5%). Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. NSLĐ giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 26,2%; trong đó, NSLĐ nội ngành tăng 16,6%; năng suất do chuyển dịch cơ cấu ngành tăng 9,4%; và do chuyển dịch lao động tăng 0,2%.

Năm 2019, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 126,5 triệu đồng/lao động, tăng 16,8 triệu đồng/lao động so với năm 2016; khu vực dịch vụ đạt 129,8 triệu đồng/lao động, tăng 25,9 triệu đồng/lao động, đồng thời là khu vực có NSLĐ cao nhất trong 3 khu vực kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 44,7 triệu đồng/lao động, tăng 11,6 triệu đồng/lao động. Mặc dù NSLĐ của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế nhưng đây lại là khu vực có tốc độ tăng NSLĐ cao nhất (10,62%), tiếp theo là khu vực dịch vụ (tăng 5,66%) và khu vực công nghiệp và xây dựng (giảm 2,16%).

Theo giá so sánh, bình quân năm trong giai đoạn 2016-2019, NSLĐ toàn nền kinh tế tăng 6,01%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng 4,27% của giai đoạn 2011-2015. Trong đó một số ngành có tốc độ tăng NSLĐ cao như: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,92%; bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; thông tin truyền thông tăng 7,64%. Một số ngành có tốc độ tăng NSLĐ bình quân năm trong giai đoạn 2016-2019 thấp và giảm như: Khai khoáng tăng 0,48%; xây dựng tăng 0,33%; vận tải kho bãi tăng 3,06%; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 10,79%...

Tính ra, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cao hơn các nước ASEAN-6. Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 4,87%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm); Malaysia (2,04%/năm); Thái Lan (3,17%/năm); Indonesia (3,59%/năm); Philippines (4,33%/năm); Brunei (giảm 0,32%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 vẫn chỉ bằng 7,6% năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% NSLĐ của Philippines và 6,89% của Brunei. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước ASEAN-6.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nang-suat-lao-dong-viet-nam-tang-toc-nhung-van-thap-xa-so-voi-asean6-690178.html