Nâng sức cạnh tranh cho kinh tế tập thể

Tin vui với bà con nông dân, đặc biệt là những người đang hoạt động trong môi trường hợp tác xã, kinh tế tập thể, là sáng qua (20-6), tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ thay thế Luật Hợp tác xã năm 2012.

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Nhiều điểm mới đáng chú ý của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có thể kể đến là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng điều chỉnh, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhằm tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế; mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác…

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có nhiều nội dung được những người trong cuộc đặc biệt quan tâm. Trong đó, phải kể đến quy định Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên; Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động, sản xuất, kinh doanh và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… Đáng lưu ý, luật quy định, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ…

Với những sửa đổi mang tính đột phá, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại việc gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, trên cơ sở tôn trọng bản chất mô hình hợp tác xã, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể.

Phải khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là nhằm bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng là quan tâm và đánh giá cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta, trong đó có Nghị quyết số 20-NQ/TƯ (ngày 16-6-2022) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Và hơn hết, các chủ trương, chính sách và pháp luật trong lĩnh vực này đều nhằm mục đích thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Khung khổ pháp lý rộng mở sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tập thể, hợp tác xã và rộng hơn là của toàn bộ nền kinh tế, cùng hướng đến mục tiêu cao nhất là giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-suc-canh-tranh-cho-kinh-te-tap-the-623276.html