NÂNG TẦM CÁC 'ĐỊA CHỈ ĐỎ'

UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất lập hồ sơ khoa học Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi để hướng tới việc xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Thời gian tới, di tích đặc biệt này nếu được UNESCO công nhận sẽ thiết lập nên các “cột mốc” đầu tiên đáng nhớ: Di tích hình thành ở thời hiện đại được công nhận; di tích lịch sử cách mạng trở thành di sản thế giới. Qua đó, những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam; tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta sẽ lan tỏa khắp năm châu. Ở thời điểm hiện tại, cho dù UNESCO chưa công nhận nhưng di tích này đã thực sự để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách, bè bạn quốc tế. Địa đạo Củ Chi đã, đang và sẽ có đóng góp lớn hơn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước một cách trực tiếp, sinh động cho thế hệ trẻ.

Lợi thế giáo dục truyền thống của Địa đạo Củ Chi xuất phát bởi tính độc đáo, quy mô, giá trị văn hóa-lịch sử, từ sự bảo tồn khá nguyên vẹn của di tích... Những điều kể trên không phải di tích lịch sử cách mạng nào cũng có được. Do điều kiện khách quan nên nhiều di tích lịch sử cách mạng thường có quy mô nhỏ, bề ngoài không nổi bật, phân tán nhiều nơi. Đã vậy, suốt một thời gian dài do nhận thức chưa đúng đắn, cũng như nguồn lực dành cho tôn tạo, bảo vệ di tích còn hạn chế, nhiều di tích xuống cấp hoặc không được giữ gìn tốt nhất trước khi được xếp hạng. Những hạn chế kể trên làm cho việc giáo dục trực quan truyền thống cách mạng thông qua các di tích chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Hướng dẫn viên mặc trang phục thanh niên xung phong dẫn khách tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: nhandan.com.vn.

Hướng dẫn viên mặc trang phục thanh niên xung phong dẫn khách tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: nhandan.com.vn.

Đối tượng cần giáo dục truyền thống hiện nay đa phần là những người trẻ tuổi, ham học hỏi, hứng thú với bao điều mới mẻ nhưng sinh ra trong hòa bình có một khoảng cách với các câu chuyện, sự kiện lịch sử gắn với di tích cách mạng. Vì thế, một trong những phương pháp giáo dục truyền thống đến nay vẫn là tổ chức những chuyến đi, buổi học ngoại khóa đến các di tích, nghe thuyết minh viên giới thiệu, kể các câu chuyện lịch sử. Thông qua đó kích thích sự ham học, thích tìm hiểu của lớp người hậu sinh. Không thể phủ nhận những chuyến đi về nguồn là rất cần thiết cho nên ngành văn hóa, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải ưu tiên nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều địa phương quan tâm đến phục dựng những di tích cách mạng có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, để mỗi di tích cách mạng thực sự là một “địa chỉ đỏ”.

Sức hút của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi, Côn Đảo hay Địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị); Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)... là những minh chứng trực quan sinh động cho hiệu quả công tác giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, như đã đề cập, thời gian trôi qua và cả việc bảo tồn, gìn giữ không tốt nên nhiều di tích lịch sử cách mạng khác đã không "gói trọn" được ý nghĩa đầy đủ vốn có. Từ đó, khẩn trương tìm hướng đi, cách làm mới để phát huy giá trị di tích cách mạng trong bối cảnh mới là việc làm hết sức cần thiết. Trước hết, tận dụng ưu thế khoa học công nghệ hiện đại để di tích có thật được đưa lên “môi trường ảo”, những nhân vật lịch sử, hoạt động cách mạng gắn với di tích được phục dựng sinh động... những câu chuyện, bài học lịch sử sẽ được truyền đạt một cách tự nhiên, thuận lợi tới những bạn trẻ. Cùng với đó là đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật hiện đại, mới lạ gắn với di tích lịch sử cách mạng. Chẳng hạn, bộ phim tài liệu lịch sử “Vòng vây lửa” gắn với khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất mới đây đã kết hợp thông tin tư liệu mới, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, nhân vật trải nghiệm, diễn viên đóng một số phân cảnh... bước đầu tiệm cận xu thế làm phim tài liệu lịch sử thế giới, thật sự hấp dẫn, tạo ra sức lan tỏa lớn.

Vẫn biết cách làm mới bao giờ cũng đòi hỏi sự nghiêm túc, công phu, kinh phí đầu tư không hề nhỏ nhưng đổi lại lợi ích phát huy giá trị di tích trong đời sống hiện đại cũng rất lớn. Thời đại Hồ Chí Minh có biết bao sự kiện, nhân vật gắn với hàng ngàn di tích lịch sử. Gìn giữ và phát huy giá trị các di tích cách mạng vô giá là cách chúng ta thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước, đồng thời tiếp lửa truyền thống cho thế hệ mai sau.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nang-tam-cac-dia-chi-do-635818