Nâng tầm chất lượng thanh long, tìm kiếm thị trường
1. Liên tục trong thời gian qua, thị trường thanh long của Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung vô cùng ảm đạm, sản lượng thu hoạch dồi dào nhưng không có đầu ra. Sự 'đỏng đảnh' của thị trường, mà mấu chốt là đóng cửa liên tục từ phía các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo đường tiểu ngạch, khiến cả nông dân, doanh nghiệp đều trở tay không kịp.
Doanh nghiệp không thu mua, hoặc chọn lọc kỹ càng số ít thanh long chất lượng, đủ chuẩn để xuất chính ngạch. Còn lại, đa số thanh long đều không có thương lái đến hỏi thăm. Sự bế tắc ấy khiến không ít nông dân đã tỏ ra chán nản. Nhiều hộ đã bắt đầu chặt bỏ thanh long. Các hộ khác đang cầm cự, chỉ tưới nước để giữ cây và ngừng chăm sóc, bón phân bởi chi phí đầu vào quá cao.
Sơ chế thanh long xuất khẩu.
Điều đáng chú ý, khi thanh long đang trong trạng thái cung vượt cầu, nhiều hộ dân đã nhổ trụ để chuyển đổi cây trồng khác. Tuy nhiên, chuyển đổi sang cây trồng gì có thể tiêu thụ được, lại là bài toán khó có lời giải. Như hộ ông Lê Văn Nhân ở huyện Hàm Thuận Bắc, với gần 1.000 trụ thanh long, nhưng khó cầm cự được trong thời điểm hiện nay. Vừa qua, gia đình ông đã quyết định nhổ trụ thanh long. Nhưng trong thời điểm hiện tại, ông không biết định hướng trồng cây gì để mang lại giá trị kinh tế, quan trọng nhất là phải có đầu ra. Bởi nếu tính toán không khéo, sẽ chuyển rủi ro từ loại cây này sang loại cây khác, thêm tốn kém chi phí đầu tư.
2. Trong bối cảnh giá bán thanh long hạ đáy như hiện nay với giá từ 500 - 1.000 đồng/kg, thì một số nông dân vẫn kiên trì với phương châm, “bán nông sản với các tiêu chuẩn mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà mình có”. Đây là cách tư duy khá mới mẻ mà một số nông hộ trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện trong những năm gần đây. Sản lượng xuất khẩu tuy còn ít, nhưng họ vẫn miệt mài theo đuổi. Chính vì vậy, khi thời điểm giá bán thanh long sụt giảm sâu hiện nay, đã minh chứng cho việc chọn hướng canh tác này thực sự có hiệu quả, mang tính lâu dài và bền vững.
Đơn cử tại hộ ông Lê Thanh Toàn- xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, hiện đang bán trái thanh long kích cỡ chỉ 250 gram đến 350 gram/trái, nhưng giá từ 10.000 - 18.000 đồng/kg. Theo chủ vườn, sở dĩ thanh long bán được giá là vì phương thức canh tác sạch, không có dư lượng thuốc. Ông Toàn chia sẻ, đã có 7 năm làm thanh long sạch cung ứng cho công ty tại TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Dù dày công chăm sóc, đầu tư, nhưng thành quả đạt được hiện nay đã minh chứng cho sự thay đổi tư duy trong sản xuất và đúc kết được kinh nghiệm chỉ bán những sản phẩm thị trường cần mới tồn tại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên, để thực hiện theo đơn hàng ký kết, đòi hỏi các hộ tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật canh tác theo yêu cầu từ phía khách hàng đặt ra. Sự cố gắng của nông dân là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nhưng thực tế hiện nay, sản lượng thanh long của tỉnh phần lớn đều mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu chính ngạch còn quá thấp (dưới 15%), dẫn đến năng lực tiêu thụ rất ít ỏi, không phải nông dân nào cũng nắm bắt được cơ hội chuyển đổi thị trường.
3. Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dừng thu mua thanh long đại trà từ nông dân. Đối với công ty hiện vẫn duy trì xuất khẩu chính ngạch sang Nhật với giá từ 10.000 đồng- 12.000 đồng/kg ruột đỏ. Tuy nhiên, số lượng thu mua rất ít, chỉ vài tấn/ chuyến. Lượng thanh long này chủ yếu thu hoạch tại vườn của doanh nghiệp và một số hộ liên kết lâu năm với các tiêu chuẩn khắt khe. Về thực tế thanh long tại Bình Thuận, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, hiện nay diện tích thanh long đang cung vượt cầu, vì thế sự sụt giảm giá, eo hẹp thị trường là điều tất yếu (ngay cả khi phía các cửa khẩu thông quan).
Thanh long đã được Bộ Nông Nghiệp và PTNT xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Quy hoạch đến năm 2030 diện tích trồng thanh long cả ước đạt 48.500 - 49.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Bình Thuận 30.000 ha, Long An 8.000 ha và Tiền Giang 6.700 ha. Tuy vậy, trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng đã được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng tính cạnh tranh, hiệu quả còn thấp, diện tích vượt quy hoạch. Chính vì vậy, để nâng tầm chất lượng thanh long của tỉnh, ngoài trái tươi, rất cần các cấp có thẩm quyền quyết liệt triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm thanh long. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ để chế biến và bảo quản sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế. Qua đó đáp ứng theo yêu cầu thị trường và góp phần giảm áp lực khâu tiêu thụ thanh long tươi…