Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang giúp nhiều địa phương trong tỉnh mở ra cơ hội để người dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nước mắm, sản phẩm OCOP đặc trưng tại các làng nghề truyền thống. Ảnh: NGỌC HÂN

Nước mắm, sản phẩm OCOP đặc trưng tại các làng nghề truyền thống. Ảnh: NGỌC HÂN

Khai thác tiềm năng từng địa phương

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Xác định mục tiêu trọng tâm của OCOP, đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), sản phẩm trà tim sen, bột hạt sen, hạt sen sấy khô của HTX được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại địa phương cách đây nhiều năm. Song đến với OCOP, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX mới hoàn thiện các sản phẩm từ thiết kế bao bì đến các thủ tục… để được công nhận OCOP 3 sao.

“Để nâng cao hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất, HTX đã ký kết với 13 hộ thành viên tham gia sản xuất, mở rộng diện tích trồng sen theo hướng VietGAP; đồng thời kết nối với các siêu thị, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con thành viên. Hiện HTX đang được UBND huyện đầu tư kinh phí gần 1 tỉ đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị… nhằm nâng hạng các sản phẩm lên OCOP 4 sao”, ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An thông tin: Chúng tôi luôn xác định, sản phẩm trọng tâm phải dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó vạch ra hướng đi cụ thể để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy An đã có 36 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3-4 sao. Hiện địa phương tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng như gạo hoa vàng, gạo lứt hoa vàng An Nghiệp, chiếu cói An Cư, rượu vang sim An Xuân, nước mắm Yến… để hướng dẫn các chủ thể tham gia OCOP và nâng hạng sao các sản phẩm đã được công nhận.

Tạo niềm tin với người tiêu dùng

Có thể thấy, các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đều ít nhiều khẳng định được chất lượng trên thị trường; gắn kết với các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng, miền. Việc đăng ký tham gia OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm cả quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Kiều ở xã An Chấn, huyện Tuy An cho hay: Khi được chứng nhận OCOP, khách hàng đã tin dùng các sản phẩm của công ty hơn. Từ đó, chúng tôi cũng ý thức được rằng, phải hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Hiện công ty có 6 sản phẩm bánh kẹo được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sắp tới sẽ nâng hạng các sản phẩm đã được chứng nhận; đồng thời sản xuất thêm các sản phẩm bánh kẹo thuần tự nhiên, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Nhờ đầu tư công nghệ máy móc sấy thăng hoa, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty CP Dược thảo Thiên Phú ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa đạt chất lượng tốt hơn so với cách sấy truyền thống. Ông Nguyễn Văn Đức, giám đốc công ty này cho hay: Đơn vị đã sản xuất thành công 8 sản phẩm các loại từ đông trùng hạ thảo, trong đó có 6 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao. Khi được cấp giấy chứng nhận OCOP, chúng tôi thấy có rất nhiều lợi thế, đó là người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm. Tại các siêu thị, cửa hàng, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cũng được đặt ở vị trí ưu tiên hơn; được hỗ trợ tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm, phiên chợ xanh do các sở, ngành trong và ngoài tỉnh tổ chức.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp thị trường và tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, thời gian qua, các cấp, ngành đã tổ chức ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP của các chủ thể; xây dựng các điểm giới thiệu, khu trưng bày và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm lên trang thương mại điện tử của tỉnh (http://phuyentrade.gov.vn) và các trang thương mại điện tử bán hàng khác…

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về OCOP; tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; huy động tối đa các nguồn lực cho chương trình; phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP”, bà Thủy khẳng định.

Phú Yên có 267 sản phẩm OCOP của 116 chủ thể được công nhận, với 10 sản phẩm đạt 4 sao, 257 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 2 sản phẩm đạt 5 sao, được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia. Riêng năm 2024, tỉnh phấn đấu có 40 sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiềm năng, lợi thế tại các địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319169/nang-tam-gia-tri-san-pham-ocop.html