Nâng tầm hạt gạo Tuy Hòa

Các HTX nông nghiệp là địa chỉ thu mua lúa tin cậy của bà con thành viên. Ảnh: MINH DUYÊN

Đưa hạt lúa, hạt gạo thành sản phẩm nông sản có giá trị và chỗ đứng trên thị trường, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, giúp người dân tăng thu nhập… là những thành công của một số HTX nông nghiệp trong quản lý sản xuất lúa, gạo.

Xây dựng thương hiệu

Năm 2010, thực hiện chương trình sản xuất lúa giống của tỉnh, HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (HTX Hòa Quang Nam) ở huyện Phú Hòa phục tráng các nguồn giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tạo ra các giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng. Khoảng 2 năm sau, sản phẩm lúa giống HQ ra đời gắn với logo HTX Hòa Quang Nam được Sở NN-PTNT công nhận và Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đây là HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu lúa giống và đến nay thương hiệu này vẫn đứng vững trên thị trường. Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, nhớ lại: Có thương hiệu, HTX đã tiêu thụ được từ 35-40 tấn lúa giống xác nhận cấp 1. Liên tục những năm tiếp theo, HTX mở rộng diện tích sản xuất lúa giống để có đủ 80 tấn/năm đáp ứng nhu cầu của bà con. So với sản xuất lúa thịt, làm lúa giống bán được nhiều hơn, giá cũng cao hơn. Hiện nay, tuy có nhiều thương hiệu lúa giống của các HTX ra đời, cộng với lúa giống của các doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường, nhưng đơn vị vẫn duy trì ổn định từ 40-50 tấn/năm.

Nhiều HTX nông nghiệp đầu tư vào hạt gạo cũng tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), khoe: Đầu năm 2021, sản phẩm Gạo thơm Hoa vàng của HTX chính thức có mặt trong siêu thị Co.opmart Tuy Hòa. Ngày đầu tiên, HTX cung cấp 250kg, chỉ 7 ngày sau phía siêu thị đã yêu cầu cung cấp thêm 500kg. Ngoài thương hiệu độc quyền, HTX cũng xây dựng xong chỉ dẫn địa lý gắn mã vạch, mã QR cho sản phẩm này. Như vậy, HTX đã mở thành công cánh cửa để hạt gạo An Nghiệp vươn xa.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), hiện toàn tỉnh có 119 HTX nông nghiệp thì khoảng 10% trong số đó tham gia sản xuất lúa giống, từ đây thúc đẩy phong trào sản xuất lúa giống, liên kết sản xuất lúa giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, nguyên chủng với các đơn vị kinh doanh giống trong và ngoài tỉnh. Từ đây, nhiều HTX phát triển, đầu tư công nghệ chế biến và cho ra đời sản phẩm gạo chất lượng cao.

Toàn tỉnh có từ 5-10 HTX làm gạo chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Có thể kể tới một vài thương hiệu lúa gạo gắn với HTX như Gạo thơm Hoa vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp, gạo chất lượng cao của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú(huyện Tây Hòa), gạo chất lượng cao Đất Phú của HTX Nông nghiệp Phú Yên (huyện Phú Hòa), gạo chất lượng cao Hòa Thành của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa)…

Mang lại lợi ích cho người dân

Ông Phan Văn Thuận chia sẻ: Cái được lớn nhất của việc sản xuất lúa giống tại các HTX là tạo đà đẩy mạnh phong trào giống nông hộ trong thành viên. Từ đây bà con thay đổi thói quen sử dụng lúa thịt làm giống. Trên cánh đồng không còn giống lẫn tạp sẽ tạo điều kiện cho công tác phòng trừ dịch hại, duy trì ổn định sản xuất trên diện rộng.

Hướng tới sản xuất lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp nông dân xóa bỏ nỗi lo đầu ra. Theo HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), HTX vừa phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình bao tiêu 3,7ha giống TBR-1 và TBR225. Hai giống này cho chất lượng gạo ngon, phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), khoe: “Đi siêu thị thấy lúa gạo do mình cày cấy ra được bày bán ngang hàng với gạo Thái Lan, Singapore thì phấn khởi trong lòng lắm. Nhờ có HTX An Nghiệp hướng dẫn sản xuất, đầu tư máy móc chế biến, đăng ký nhãn hiệu quê hương và thu mua cho bà con nên mới được vậy”.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Trong một thời gian dài, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở triển khai lịch thời vụ, tổ chức dịch vụ phục vụ cơ bản đầu vào, chưa tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Những năm trở lại đây, một số HTX đã nâng tầm hoạt động, trở thành đơn vị đại diện tạo thương hiệu tập thể cho hạt lúa địa phương. Tuy số lượng HTX xây dựng thương hiệu độc quyền gắn với sản phẩm lúa giống, gạo chất lượng cao còn ít nhưng đây sẽ là những điển hình tạo động lực để các HTX khác làm theo. Thời gian tới, cùng với các chương trình hỗtrợ như liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các HTX sẽ có thêm nguồn lực nâng cao hoạt động, xây dựng thương hiệu lúa gạo. Điều này vừa mang lại lợi ích cho nông dân trồng lúa vừa góp phần thay đổi tư duy sản xuất ổn định an ninh lương thực, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Những năm trở lại đây, một số HTX đã nâng tầm hoạt động, trở thành đơn vị đại diện tạo thương hiệu tập thể cho hạt lúa địa phương. Tuy số lượng HTX xây dựng thương hiệu độc quyền gắn với sản phẩm lúa giống, gạo chất lượng cao còn ít nhưng đây sẽ là những điển hình tạo động lực để các HTX khác làm theo.

Ông Nguyễn Đức Thắng,

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT)

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256762/nang-tam-hat-gao-tuy-hoa.html