Nâng tầm hợp tác tài chính song phương Việt Nam - Cuba
Kể từ khi thiết lập mối bang giao từ 2/12/1960, Cuba và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ đoàn kết anh em truyền thống đặc biệt giữa hai nước và hợp tác toàn diện trong 60 năm qua, nổi bật trong đó là hợp tác tài chính.
Theo đánh giá, sự chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Tài chính Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa trong việc thực hiện các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cuba.
Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của Cuba tại châu Á - Thái Bình Dương
Những năm qua, Việt Nam và Cuba đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, dầu khí, viễn thông, giáo dục và y tế… Trong khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đã thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì Cuba sau thời gian nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam và các nước bạn bè, cũng đang tập trung triển khai cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế.
Cả Việt Nam và Cuba thống nhất đánh giá hai nước là đối tác quan trọng của nhau về kinh tế. Việt Nam được Cuba chọn là đối tác đầu tiên tại châu Á để cùng nghiên cứu, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại mới (tháng 11/2018). Hai bên cũng triển khai Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giai đoạn 2014 - 2019 và chuẩn bị ký chương trình cho giai đoạn 2020 - 2025. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á - Thái Bình Dương và là nhà cung cấp gạo chủ yếu của Cuba; đồng thời hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giúp Cuba từng bước bảo đảm an ninh lương thực...
Về lĩnh vực thương mại, Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba ký tại Hà Nội tháng 11/2018 đã thay thế hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào năm 1996. Để thực thi hiệp định này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020 - 2023. Hiệp định sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Cuba lên tầm cao mới.
Hợp tác tài chính khăng khít
Trong mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước nêu trên, nổi bật là quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba. Ngày 16/9/2015, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về tài chính giai đoạn 2016 - 2020. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: hệ thống chỉ số đánh giá kinh tế vĩ mô và hiệu quả chính sách tài khóa; công tác quản lý nợ công và đảm bảo cân đối ngân sách; chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính; hệ thống kiểm tra, giám sát ngân sách nhà nước; quản lý ngân sách nhà nước và quan hệ ngân sách trung ương - địa phương; quản lý thuế; các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.
Từ năm 2016, Bộ Tài chính hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác. Cụ thể, các đoàn công tác cấp bộ và cấp vụ của Bộ Tài chính và Vật giá Cuba sang Bộ Tài chính Việt Nam khảo sát kinh nghiệm về lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước; quản lý giá; trao đổi về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công; kinh nghiệm thanh tra ngân sách; trao đổi kinh nghiệm quản lý ngân khố quốc gia; trao đổi về lĩnh vực quản lý thuế (Luật Quản lý thuế, đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế).
Các đoàn công tác cấp bộ của Bộ Tài chính Việt Nam sang Cuba để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và áp dụng các chính sách cơ chế tài chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách tài chính đối phó với giá dầu sụt giảm, chính sách tài chính ứng phó với biển đổi khí hậu; vấn đề chuẩn mực kế toán công, thăm và làm việc với các cơ quan tài chính của một số địa phương của Cuba (tỉnh Mantazas, tỉnh Santa Clara, tỉnh Varadero).
Từ khi ký kết biên bản ghi nhớ đến nay, hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã được cụ thể hóa qua nhiều hoạt động có ý nghĩa. Các nội dung phía Cuba cần tìm hiểu được phía Việt Nam nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cả những thành công và không thành công để làm bài học kinh nghiệm cho Cuba. Bộ Tài chính Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính công đã từng được áp dụng để giúp Cuba tiếp cận với cách thức mà Việt Nam đã làm và đang làm. Đối với Bộ Tài chính Cuba, sự chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính công của Bộ Tài chính Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa trong việc thực hiện các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cuba, Bộ Tài chính hai nước đang tích trao đổi để thống nhất những nội dung hợp tác tài chính quan trọng trong giai đoạn tiếp theo, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ truyền thống đặc biệt gắn bó Ðảng và nhân dân hai nước suốt chặng đường dài sáu thập kỷ qua.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á. Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương tiếp tục phát triển ổn định. Lãnh đạo hai nước thống nhất duy trì tăng trưởng thương mại bền vững, hướng đến mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD vào năm 2022.