Nâng tầm kỹ năng lao động

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, hạn chế về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong lao động công nghiệp khiến NLĐ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong tìm việc làm. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ là yếu tố quan trọng tác động không nhỏ đến việc làm và thu nhập của NLĐ. Đây không chỉ là trách nhiệm của các ngành, tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp (DN), mà còn là ý thức của NLĐ.

Trường Cao đẳng Công Thương - Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo nghề, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Trường Cao đẳng Công Thương - Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo nghề, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Nhằm xây dựng đội ngũ NLĐ năng động, sáng tạo và có việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn, thời gian qua, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Công đoàn về nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.

Triển khai có hiệu quả Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” bằng nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để công nhân lao động học tập nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp...

Điều này rất quan trọng, bởi sẽ nâng cao hiệu suất công việc và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động. Khi NLĐ có đủ tay nghề và kỹ năng trong công việc sẽ tiếp nhận nhanh mọi công việc mà DN giao, dù ở bất kỳ vị trí việc làm nào.

Với yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, những năm gần đây có nhiều DN đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, lao động có kỹ năng, tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc là một trong những ưu tiên hàng đầu của DN. Tuy nhiên, theo các DN, việc tìm lao động có đủ trình độ, kỹ năng nghề hiện không dễ dàng.

Nhiều DN đã đưa ra các yêu cầu tuyển dụng, trong đó những lao động đã qua đào tạo nghề từ trung cấp trở lên sẽ là ưu tiên của DN, nếu đáp ứng được yêu cầu của công việc. DN chấp nhận trả lương cao tùy theo vị trí công việc. Đặc biệt, lao động tuyển mới nếu đáp ứng kỹ năng công việc sẽ ký hợp đồng ngay và được hưởng các chính sách phúc lợi từ DN. Đặc biệt, NLĐ phải có đạo đức nghề nghiệp, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với công việc. Bản thân NLĐ không ngừng nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho DN.

Xác định lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh, tăng trưởng của nền kinh tế, việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, từng bước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế từng bước được quan tâm, đẩy mạnh.

Qua những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, NLĐ được đào tạo, GDNN có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo. Hiện nay, các cơ sở GDNN luôn tập trung bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu DN; phối hợp với DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ dạy thực hành về nghề quản trị khách sạn cho sinh viên. Ảnh: Anh Thơ

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ dạy thực hành về nghề quản trị khách sạn cho sinh viên. Ảnh: Anh Thơ

Theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Có thể thấy, hoạt động phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh GDNN đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước, được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển GDNN.

Tôi có cậu em làm ở Công ty TOYOTA Việt Nam. Cậu ấy thường bảo, nếu được tuyển dụng vào TOYOTA Việt Nam, đừng ngần ngại bắt đầu từ những công việc đơn giản nhất đến những công việc phức tạp hơn bằng cách chủ động học hỏi, không ngừng nỗ lực để trưởng thành và hòa nhập với môi trường làm việc, điều đó sẽ giúp bản thân sớm thành công trong sự nghiệp. Bởi dù máy móc, thiết bị có hiện đại đến đâu thì con người vẫn luôn là yếu tố then chốt.

Làm việc tại công ty nước ngoài, những tập đoàn đa quốc gia luôn là mơ ước của hầu hết các bạn trẻ. Đó là nơi không chỉ có thu nhập hấp dẫn, phúc lợi tốt mà còn có môi trường lý tưởng để được rèn luyện, phát triển bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công dễ dàng tại môi trường này. Rất nhiều người tốn công, tốn sức và tốn thời gian để vào được các công ty này rồi lại phải rời bỏ chỉ sau vài tháng làm việc vì thiếu phẩm chất, kỹ năng nhất định phải có như: Khả năng ngoại ngữ, khả năng lãnh đạo, khả năng kiểm soát cảm xúc, khả năng tự xoay sở, chấp nhận sự thay đổi...

Trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 1/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc lấy ngày 4/10 hằng năm là ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng khi giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.

Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam có các mục đích: Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15/7) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2014. Đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước hưởng ứng và đồng tình ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và NLĐ; tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của NLĐ có kỹ năng, đặc biệt là NLĐ có kỹ năng nghề xuất sắc; thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho NLĐ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Qua gần 4 năm tổ chức hưởng ứng trên phạm vi cả nước, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đã được các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương và đông đảo cộng đồng DN, NLĐ hưởng ứng. Từ đó, đã tạo hiệu ứng tích cực và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-tam-ky-nang-lao-dong-216956.htm