Nâng tầm kỹ năng lao động Ninh Bình

Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nhờ đó, đã góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Ninh Bình, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69,5% vào cuối năm 2023, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh.

Công nhân Nhà máy Hyundai Thành Công kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: Anh Tuấn

Công nhân Nhà máy Hyundai Thành Công kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: Anh Tuấn

Công ty TNHH CHC LAB Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn) chuyên sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm. Để bổ sung nguồn lao động thiếu hụt, đồng thời phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty liên tục đăng ký tuyển dụng lao động, nhất là nguồn lao động gián tiếp, lao động đã qua đào tạo.

Bà Thanh Huyền, đại diện Phòng nhân sự, Công ty TNHH CHC LAB Việt Nam cho biết: Hiện nay, việc tuyển dụng lao động đã qua đào tạo có nhiều thuận lợi. Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã bám sát nhu cầu của thị trường để đào tạo nghề phù hợp. Công ty chúng tôi thường xuyên tuyển dụng lao động có nghề hàn. Đây là một trong những nghề thế mạnh của các trường dạy nghề trên địa bàn, vì vậy mà nhân lực được tuyển dụng có thể đảm bảo tốt những vị trí việc làm đòi hỏi kỹ thuật cao.

Năm 2023, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đã tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp được 1.051 học viên, đạt 94% kế hoạch năm. Thực hiện chủ trương xuyên suốt là đào tạo nghề phải gắn với việc làm, Trung tâm tuyển sinh của nhà trường đã triển khai rất nhiều giải pháp đảm bảo 100% học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Nhà trường đã bám sát sự phát triển của thị trường lao động để dự báo những ngành nghề tiềm năng, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên liên lạc, giữ mối quan hệ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng việc làm, triển khai các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp đến các lớp học, trên bảng tin của khoa và trên Website của nhà trường.

Trước mỗi đợt thi tốt nghiệp, Trường tổ chức khảo sát về nhu cầu việc làm, vị trí việc làm, mức lương yêu cầu tới HSSV. Trên cơ sở đó tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với yêu cầu, khả năng của HSSV. Đặc biệt, nhà trường luôn phối hợp, ký kết các biên bản hợp tác với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, thực tập, cấp học bổng, tuyển dụng... Nhờ đó, mối quan hệ giữa "cung" và "cầu" lao động đã nhịp nhàng, phù hợp hơn. Cùng với giải pháp đồng hành, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô khẳng định: Chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Để trở thành địa chỉ tin cậy, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường, mỗi cơ sở đào tạo nghề không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các nhà giáo tham gia các sân chơi nghề nghiệp bổ ích, qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Qua trao đổi nghiệp vụ tại các kỳ hội giảng, chất lượng bài giảng các môn học trong cơ sở đào tạo nghề đã được nâng lên đáng kể. Các nhà giáo đã kết hợp nhuẫn nhuyễn phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại. Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng hiệu quả, thành thạo công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao, tạo sức hấp dẫn với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp người học tiếp thu dễ dàng. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn, góp phần đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh ta có 23 nghề trọng điểm được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt (tại Quyết định số 1769/ QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019) bao gồm: 6 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 10 nghề cấp độ quốc gia, tập trung ở các ngành: Công nghệ ô tô, chế tạo thiết bị cơ khí, hàn, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, vận hành máy thi công nền, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, công nghệ thông tin, vận hành máy nông nghiệp, may thời trang.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề đã bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề. Hiện nay, toàn tỉnh có 192 cán bộ quản lý, 816 nhà giáo, trong đó 80,2% có trình độ trên đại học và đại học; 100% giảng viên, giáo viên cơ bản đạt chuẩn theo quy định.

Để thúc đẩy hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), năm 2023, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 121 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 63/2023/QĐ-UBND ngày 5/10/2023 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...

Trên cơ sở đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm gắn với đào tạo nghề; giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố bảo đảm công tác tạo việc làm, đào tạo nghề. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn, tọa đàm về công tác giáo dục nghề nghiệp. Trong đó gặp gỡ, tư vấn trực tiếp về công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho 2.250 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương.

Các kỳ Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh và kỳ thi kỹ năng nghề được tổ chức hàng năm cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của GDNN đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều HSSV tham gia các kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, ASEAN đã đạt kết quả cao, khẳng định chất lượng đào tạo nghề của tỉnh trong hệ thống cơ sở dạy nghề toàn quốc.

Năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh được trên 18.000 người (trong đó hệ cao đẳng và trung cấp 5.480 người, hệ sơ cấp và dưới 3 tháng 12.625 người). Số học viên đã tốt nghiệp 17.605 người (vượt 0,6% kế hoạch năm), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%. Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm tại doanh nghiệp đạt 90%.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các cơ sở đào tạo nghề đã tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh được 9.327 người ở trình độ cao đẳng, trung cấp. Trong đó, nhóm nghề khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân 2.266 người; nhóm nghề công nghệ ô tô 2.070 người; nhóm nghề kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, hàn, kỹ thuật điện, điện tử, điện công nghiệp, vận hành máy công nghiệp, máy xây dựng 4.991 người… để cung cấp cho thị trường lao động nhóm nhân lực có tay nghề cao.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-tam-ky-nang-lao-dong-ninh-binh/d2024011708156682.htm