Nâng tầm mô hình lúa - tôm
Sóc Trăng là một trong các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau có mô hình sản xuất lúa - tôm đạt chất lượng cao, chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Thời gian qua, sản xuất lúa - tôm tại vùng này được đánh giá là mô hình canh tác thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Mô hình luân canh tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên được hình thành từ những năm 1990, với diện tích hơn 9.000ha nuôi tôm sú trên vùng đất nhiễm mặn của huyện thuộc khu vực 6 xã vùng trong (Ngọc Tố, Ngọc Đông, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2). Với điều kiện thiên nhiên đặc thù là 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước lợ, nông dân trong vùng đã thực hiện việc luân canh 2 đối tượng là tôm sú và lúa mùa. Đặc biệt, trong năm 2005 khi lần đầu tiên giống lúa thơm chất lượng cao ST5 được nghiên cứu trồng thử nghiệm tại vùng luân canh tôm - lúa và đã đạt hiệu quả cao; từ đó, giống lúa này đã trở thành cây trồng chủ lực của vùng lúa - tôm Mỹ Xuyên với diện tích canh tác hàng năm chiếm hơn 80% diện tích trồng lúa của vùng và được nhiều nông dân gắn bó trong nhiều thập kỷ.
Anh Tô Minh Trí ở xã Hòa Tú 1 cho biết, bản thân đã duy trì mô hình tôm - lúa trên 20 năm vì hiệu quả, tính bền vững mà mô hình mang lại. Sản lượng tôm thẻ chân trắng, sú sau thu hoạch ổn định, nhất là lúa chẳng những cho năng suất cao, mà chất lượng còn đảm bảo, thơm ngon.
Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững mô hình lúa - tôm bền vững, hàng năm ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 17.700ha với tổng sản lượng gần 40.000 tấn tôm và diện tích trồng lúa trên nền tôm 10.000ha với tổng sản lượng trên 45.000 tấn lúa; đồng thời phát huy tốt tiềm năng đất đai, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, trình độ hiểu biết và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân được nâng lên đáng kể, mô hình kinh tế tập thể từng bước được quan tâm và phát triển, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 200 triệu đồng/năm, gia tăng thu nhập cho nông dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,5% (năm 2015) xuống còn 1,01% (năm 2020).
Tuy nhiên, tình hình sản xuất tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức cần được giải quyết như: sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác, khả năng cạnh tranh chưa cao. Kinh tế nông thôn chủ yếu vẫn là thuần nông, ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất phát triển chậm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chưa đồng bộ. Diện tích mô hình tôm - lúa hàng năm chưa được duy trì tốt; khi tôm trúng mùa thì một số nông dân có xu hướng không lấp lại lúa mà vẫn tiếp tục thả nuôi tôm, đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho các vụ nuôi tiếp theo và phá vỡ tính bền vững của mô hình. Chưa có quy hoạch chi tiết của huyện để xác định nơi nào đủ điều kiện nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nơi nào phải lấp lại lúa trên nền tôm, mà chủ yếu là do nhân dân tự phát, nên khó kiểm soát dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường. Kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản lý điều hành của đa số hợp tác xã và tổ hợp tác còn yếu, hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của tổ viên, xã viên, khả năng cạnh tranh yếu, tiếp cận khoa học công nghệ hạn chế…
Để giải quyết những khó khăn, bất cập này, UBND huyện đã đề xuất xây dựng đề án “Đầu tư phát triển vùng sản xuất tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025” với tổng vốn đầu tư trên 442 tỉ đồng, nếu đề án được hiện thực hóa sẽ góp phần nâng tầm mô hình tôm - lúa của huyện trong thời gian tới.
Đồng chí Đặng Văn Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh, hiện nay con tôm vẫn được xem là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trong định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, với sự kiện giống lúa ST25 (rất thích nghi với điều kiện sinh thái vùng lúa - tôm huyện Mỹ Xuyên) đạt giải gạo ngon nhất thế giới sẽ là cơ hội lớn để tiếp tục phát triển vùng sản xuất theo hướng thương hiệu chất lượng cao. Vì vậy, việc tiến hành xây dựng đề án “Đầu tư phát triển vùng sản xuất tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025” là thực sự cần thiết. Khi đề án này được triển khai sẽ phù hợp với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng; giúp cải thiện môi trường đất, rửa mặn, hạn chế và cắt mầm bệnh sau vụ nuôi tôm, sử dụng nguồn vật chất hữu cơ (là chất thải của vụ nuôi tôm) cho lúa phát triển, làm cho việc sử dụng đất được hiệu quả và lâu dài, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả và làm cho sản xuất được bền vững. Huyện Mỹ Xuyên sẽ xúc tiến triển khai các công việc cần thiết sớm đưa đề án đi vào thực tiễn, góp phần thay đổi tổng thể bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Mỹ Xuyên, đồng thời đáp ứng chiến lược quy hoạch dài hạn về sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Sóc Trăng.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/nang-tam-mo-hinh-lua-tom-48910.html