Nâng tầm quan hệ Việt Nam-Thái Lan, thúc đẩy hợp tác APEC thiết thực và hiệu quả
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Ðây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và là chuyến thăm Thái Lan lần đầu của Chủ tịch nước Việt Nam sau 24 năm. Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam và Thái Lan vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021 và hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược vào năm 2023.
Ngày 6/8/1976 ghi dấu mốc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược và đến năm 2019, tiếp tục nâng cấp lên Ðối tác chiến lược tăng cường. Quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước giữ vững đà phát triển tốt đẹp. Hoạt động tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương được duy trì. Năm 2021, hai nước phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tích cực tuyên truyền nâng cao hiểu biết của công chúng về quan hệ Ðối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 9 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,88 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước tới nay; trong chín tháng từ đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD.
Thái Lan có 670 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD. Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Thái Lan. Hợp tác về lao động, giáo dục-đào tạo, du lịch... phát triển tích cực; hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại ASEAN, cũng như tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 9 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,88 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước tới nay; trong chín tháng từ đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD.
Năm 2022, Thái Lan giữ cương vị chủ nhà APEC, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, làm tăng rủi ro đối với hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu bền vững và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái. Các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động sâu rộng đến kinh tế-xã hội các nước. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi đầu trong tiến trình phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế, song tiếp tục là địa bàn trọng điểm của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Việc trở thành thành viên APEC ngày 15/11/1998 đánh dấu thành tựu quan trọng của Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong gần 25 năm tham gia APEC một cách chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo, với nhiều sáng kiến, đề xuất hợp tác được đánh giá cao, Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hợp tác APEC là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước trong giai đoạn mới.
Tiếp nối đà phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi dấu mốc mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia cùng chung dòng Mê Công, cùng là thành viên "mái nhà chung ASEAN". Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng quan hệ giữa hai nước, góp phần củng cố nền tảng và khẳng định cam kết nâng tầm quan hệ Ðối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan. Các cuộc tiếp xúc, trao đổi trong chuyến thăm sẽ tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cũng như phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thông điệp về Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Hoạt động tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp dự Hội nghị góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, nhất là trong những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và ưu thế. Các hoạt động tham gia, đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu, nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia, tích cực đóng góp và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại các thể chế, diễn đàn đa phương.
Chúc chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc quan hệ Ðối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, thúc đẩy hợp tác APEC thiết thực và hiệu quả, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.