Nâng tầm sản phẩm từ nhãn hiệu tập thể

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhãn hiệu là cách để các địa phương có đặc sản, làng nghề truyền thống thể hiện sức mạnh của thương hiệu, không chỉ có chỗ đứng trong nước mà còn tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến năm 2019, An Giang có 61 tổ chức tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, hội/hiệp hội, làng nghề...) có hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương và 62 nhãn hiệu tập thể (61 nhãn hiệu tập thể đã nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và 1 nhãn hiệu tập thể chưa đăng ký bảo hộ). Trong đó có 55 nhãn hiệu tập thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong xu thế hội nhập hiện nay, những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu giữ vai trò sống còn đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.

Việc phát triển nhãn hiệu tập thể là quá trình tạo dựng hình ảnh, sự nhận biết về nhãn hiệu tập thể của sản phẩm/dịch vụ trong tâm trí, nhận thức của người tiêu dùng. Đây là một quá trình đầu tư lâu dài, phức tạp đòi hỏi sự phối hợp và hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau. Việc có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu sản phẩm càng khó hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, cũng như các hộ dân tham gia sản xuất phải biết đổi mới tư duy, thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng và sử dụng nhãn hiệu trong bảo hộ sản phẩm.

Ảnh: THANH HÙNG

Qua khảo sát thực tế, đa số các nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh chưa được khai thác hết hiệu quả sử dụng. Có đến 37 nhãn hiệu tập thể không được sử dụng và chỉ có 18 nhãn hiệu tập thể được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các nhãn hiệu này chỉ được sử dụng dưới hình thức gắn lên bao bì sản phẩm khi tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm hoặc chỉ thể hiện thông tin trên các hợp đồng, hóa đơn mua, bán sản phẩm. Do đó, chưa đạt hiệu quả tích cực, người tiêu dùng chưa nhận biết được rộng rãi. Mặc dù được chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ nhiều năm qua, tuy nhiên các thành viên trong Tổ sản hợp tác xuất dầm chèo phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) hầu như ít sử dụng trên sản phẩm của mình.

“Đa phần bà con nghĩ rằng sản xuất ra sản phẩm thì đem bán, miễn sao bán được nhiều hàng, bán có giá là được, chưa quan tâm nhiều đến nhãn hiệu hay logo sản phẩm của mình. Bởi vậy, nhiều thương lái đến từ Chợ Mới đến tìm mua sản phẩm, rồi bán lại cho người dân ở các tỉnh của ĐBSCL và cứ ngỡ là sản phẩm của Chợ Mới, không biết đây là sản phẩm của bà con phường Mỹ Thạnh” - anh Lê Văn Tiến (Tổ sản hợp tác xuất dầm chèo phường Mỹ Thạnh) cho biết. Đây cũng là thực trạng chung còn tồn tại với nhiều sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Bên cạnh đó, một số nhãn hiệu tập thể được sử dụng có hiệu quả, được người tiêu dùng biết đến và ghi nhận, giá trị sản phẩm như: đặc sản mắm Châu Đốc, mắm thái Châu Đốc, rau an toàn Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc); đặc sản lúa Hồng Ngọc Óc Eo (Thoại Sơn)... Ông Danh Văn Dưỡng (Thoại Sơn) là cha đẻ của giống lúa Hồng Ngọc Óc Eo, đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ phẩm chất gạo thơm, ngon, màu sắc đẹp. Bên cạnh đó, được bảo hộ nhãn hiệu tập thể càng giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất yên tâm lựa chọn sản phẩm lúa Hồng Ngọc Óc Eo.

Được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, lúa Hồng Ngọc Óc Eo ngày càng khẳng định thương hiệu chất lượng trên thị trường

“Nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng, có 1 loại gạo cũng có màu hồng đỏ như lúa Hồng Ngọc Óc Eo nhưng về phẩm chất thì gạo không mềm, không thơm bằng. Chính vì vậy, nhờ nhãn hiệu, thương hiệu đã tạo ra từ trước đến nay, ngay lúc này sẽ phát huy tác dụng. Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm chất lượng thì việc tạo ra nhãn hiệu đi kèm không kém phần quan trọng, vì sản phẩm mình được bảo hộ, người tiêu dùng tin tưởng” - ông Dưỡng giải thích.

Thời hạn cho chứng nhận tập thể là 10 năm, hiện nay, ông Dưỡng đang chuẩn bị thủ tục để năm sau nộp hồ sơ cho nhãn hiệu tập thể lúa Hồng Ngọc Óc Eo của mình. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển nhãn hiệu tập thể sau bảo hộ đối với các sản phẩm của mỗi địa phương trở thành vấn đề được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực cũng như hiệu quả kinh tế mang lại.

Trong đó, vấn đề đặt ra là sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị của các nhãn hiệu tập thể. Có như vậy, các nhãn hiệu tập thể nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương nói chung mới tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-tam-san-pham-tu-nhan-hieu-tap-the-a283220.html