Nâng tầm thương hiệu du lịch Việt

Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, đầy đủ về tài nguyên thiên nhiên, môi trường cùng các yếu tố phát triển

Ngày 12-3, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm "Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá", trong bối cảnh du lịch Việt Nam đặt mục tiêu khá tham vọng với tổng thu từ du lịch lên tới 850.000 tỉ đồng.

Khách đông, doanh nghiệp vẫn khó

Tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng làm sao để tăng trưởng khách quốc tế; đón được nhiều khách với chi phí thấp là những vấn đề cơ bản của ngành kinh tế du lịch. Khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Năm 2023, ngành du lịch đón khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Năm nay đặt mục tiêu 17-18 triệu lượt khách quốc tế và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra mục tiêu lên tới 20 triệu lượt khách để các doanh nghiệp (DN) cùng phấn đấu. Bởi có thực tế, là số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều.

"Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, có chính sách thích hợp. Nhưng lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm và khó, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh - thành tập trung nguồn kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược này từ đó thu hút khách du lịch. Chính phủ xác định du lịch là ngành mũi nhọn, cần tận dụng những cái đang có, khai thác mức cao nhất việc liên kết giữa các DN và hỗ trợ xử lý kiến nghị của DN trong bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn" - ông Vũ Thế Bình nói.

Khách đông nhưng DN vẫn "đói" khách là thực tế được nêu ra tại tọa đàm. Chia sẻ câu chuyện này, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối du lịch quốc tế Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho rằng các thống kê khách quốc tế đến Việt Nam tăng là đúng nhưng có bao nhiêu khách là du lịch thuần túy bởi khách quốc tế tăng nhưng thực tế công ty du lịch vẫn "đói" khách. Theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng DN Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Như Lữ hành Saigontourist chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê xe.

Các khách mời trao đổi về các vấn đề của ngành du lịch Việt Nam hiện nay Ảnh: TẤN THẠNH

Các khách mời trao đổi về các vấn đề của ngành du lịch Việt Nam hiện nay Ảnh: TẤN THẠNH

"Kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm để lợi nhuận không chảy ra ngoài giúp ngành phát triển lành mạnh. Hay khách Nhật Bản, họ đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như thị trường Thái Lan, Úc, châu Âu, Hàn Quốc. Dù các chuyến bay từ Nhật về TP HCM nhiều, khách đông nhưng theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, họ chủ yếu là doanh nhân" - ông Võ Việt Hòa phân tích.

Ngay với khách Trung Quốc, lượng khách đến Việt Nam trong năm 2023 cũng chưa cao như kỳ vọng. Dự kiến năm nay bức tranh về thị trường khách này sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, theo một số DN, khách Trung Quốc lại không xem điểm đến Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung là điểm đến chính nên muốn đón khách này cần chiến lược quảng bá, xúc tiến bài bản, hiệu quả.

Tăng liên kết, tạo sức bật cho sản phẩm

Không chỉ DN "đói" khách đi tour trọn gói, một số địa phương trên cả nước vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình phục hồi du lịch sau dịch COVID-19.

Ông Trần Văn Linh, Trưởng Phòng Quản lý du lịch Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết sự cạnh tranh giữa các điểm đến, khu, điểm du lịch trong khu vực, nhất là sau đại dịch, diễn ra ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách ưu đãi thị thực, giá trị các gói dịch vụ, sản phẩm du lịch…

Để du lịch phát triển nhanh, bền vững, Kiên Giang đang đẩy mạnh liên kết giữa các bên, cơ quan quản lý nhà nước, DN du lịch và DN vận chuyển (nhất là máy bay). Đối với Phú Quốc, hơn 80% lượng khách du lịch đến bằng đường hàng không nên điểm đến đang kết nối để đường bay quốc tế tới nhiều hơn. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Kiên Giang ở nước ngoài với nhiều hình thức phù hợp; thông tin, tuyên truyền về chính sách miễn thị thực của Việt Nam, đặc biệt là Phú Quốc, tới du khách quốc tế.

"Thời gian qua, giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kể cả các đường bay quốc tế đến Phú Quốc, đều cao hơn các địa phương khác (không riêng dịp lễ, Tết mà cả ngày thường). Giá vé máy bay tăng cao làm ảnh hưởng đến nhu cầu lựa chọn điểm đến của du khách. Hiện giá vé máy bay đã "hạ nhiệt" nhưng vẫn không ổn định" - ông Trần Văn Linh nói.

Trao đổi bên lề tọa đàm với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Vinpearl, cho biết hiện tỉ trọng chi phí cao nhất của du khách khi đến Việt Nam là dành cho vé máy bay và di chuyển giữa các điểm đến.

Điều này khiến du khách chuyển hướng ngay đến các điểm đến lân cận trong khu vực, có khí hậu, văn hóa tương tự nhưng quảng bá hấp dẫn hơn và chi phí được tính toán hợp lý hơn nhiều. Các địa phương du lịch nội địa cũng khó thúc đẩy dịch vụ hay tour tuyến liên kết khi chi phí di chuyển tăng cao.

"Cần cú "bắt tay" hiệu quả và thiết thực giữa du lịch - lữ hành - hàng không. Cần có một nhạc trưởng với chương trình hành động kích cầu du lịch quốc gia rõ nét có vai trò cụ thể của từng bên, từ DN đến các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các địa phương...

Khi có chiến lược cụ thể, cân đối được chi phí - lợi nhuận và tăng trưởng bền vững trên quy mô toàn quốc, việc kích cầu du lịch sẽ có những bước tiến mới, không chỉ ở câu chuyện về giá" - bà Ngô Hương nói.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết bà trông chờ vào quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam vì đây là cơ sở để có sản phẩm độc đáo. Bởi khi có quy hoạch bài bản, nhà nước sẽ đóng vai trò nhạc trưởng trong việc định hướng, điều phối để có sản phẩm du lịch đặc sắc như kỳ vọng.

Hiệp hội Du lịch TP HCM luôn có ý thức về phát triển du lịch bền vững, cập nhật các chương trình du lịch bền vững, nói không với rác thải nhựa và triển khai các hội viên, chi hội trực thuộc.

"Tại TP HCM, chủ trương của thành phố thời gian qua là có những chương trình liên kết, hợp tác với các địa phương trên cả nước nhằm thúc đẩy du lịch. Việc tăng cường liên kết du lịch, liên kết giữa các DN sẽ tạo sản phẩm độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lắp.

Với xúc tiến du lịch, như thông tin của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam là sẽ mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở Lào, nếu có thêm văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở một số khu vực, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á thì quá tốt" - bà Nguyễn Thị Khánh nói.

Kiến nghị mở rộng thị trường miễn visa

Liên quan đến chính sách visa, các DN tiếp tục kiến nghị cần mở rộng thêm thị trường miễn visa. Hiện Đông Bắc Á là thị trường thuận lợi nhất đối với du lịch Việt Nam nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Để mở rộng nguồn khách cần những chính sách mạnh hơn như một chính sách visa hấp dẫn hơn. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc.

Do đó, các DN kiến nghị lãnh đạo ngành du lịch tiếp tục trình Chính phủ miễn visa cho các thị trường trọng điểm để tăng cường thu hút thị trường khách quốc tế mới, bù đắp lại những thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Nga. Xem xét nghiên cứu và áp dụng thủ tục xuất nhập cảnh online qua nhận diện khuôn mặt, e-passport để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng...

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-tam-thuong-hieu-du-lich-viet-196240312215923147.htm