Nâng tầm vị thế trong phản biện về lĩnh vực địa chất, khoáng sản
Ngày 25/11, tại Hà Nội, Tổng hội Địa chất Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IX (2023 - 2028) và Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam khóa VIII Đỗ Cảnh Dương cho biết: Trải qua 40 năm hoạt động, dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, trí tuệ tập thể, Tổng hội Địa chất Việt Nam từng bước khắc phục, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa VIII cho thấy, hoạt động khoa học, công nghệ, tư vấn phản biện của Tổng hội Địa chất Việt Nam được đánh giá cao, góp phần nâng tầm vị thế của Tổng hội về các vấn đề phản biện trong chuyên ngành địa chất, tài nguyên khoáng sản như phản biện về quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), than đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch điều tra địa chất... Các đơn vị khoa học công nghệ phân bố đều ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã tạo thuận lợi cho các nhà địa chất hoạt động hiệu quả. Trong nhiệm kỳ tới, Tổng hội Địa chất Việt Nam tiếp tục xây dựng lực lượng và tổ chức Tổng hội; tư vấn - phản biện; nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức; quan hệ quốc tế...
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Tổng hội Địa chất Việt Nam đã nỗ lực kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn về tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, kết nối hợp tác nhà khoa học trong nước và quốc tế, Viện nghiên cứu, trường đại học; tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khoa học. Nhiệm kỳ tới, Tổng hội sẽ tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong 40 năm qua để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động đã đề ra.
Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 110 người, Ban Kiểm tra gồm 3 người. Ban Chấp hành đã họp, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 23 ủy viên, Ban Lãnh đạo Tổng hội gồm Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch. Ông Nguyễn Đắc Đồng được bầu là Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam nhiệm kỳ IX (2023 - 2028). Đại hội cũng thảo luận, thông qua Điều lệ (sửa đổi) để trình Bộ Nội vụ phê duyệt.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam nhấn mạnh, trong 40 năm qua, Cục Địa chất Việt Nam vẫn luôn phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt cùng Tổng hội Địa chất Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Cục mời nhiều hội viên của Tổng hội tham gia phản biện, tư vấn về những đề tài, dự án, đề án của Chính phủ, các Bộ, địa phương. Đó là Dự án Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận; Dự án Khai thác Sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh; xử lý sự cố môi trường Formusa ở 4 tỉnh miền Trung; Đề án Điều tra đánh giá tiềm năng than đồng bằng sông Hồng; Dự án khai thác, chế biến quặng titan ven biển miền Trung Nam Bộ... đến các nhiệm vụ tầm chiến lược như xây dựng Chiến lược địa chất khoáng sản, các quy hoạch địa chất, khoáng sản và đặc biệt là dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010.
Hội viên của Tổng hội đã tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế mà Cục Địa chất Việt Nam chủ trì tổ chức như: Hội nghị ASEAN về khoáng sản năm 2021; Hội nghị Địa chất Đông Nam Á năm 2018; Chương trình Khoa học Địa chất quốc tế (IGCP); Tiểu ban điều phối các chương trình khoa học địa chất Đông và Đông Nam Á của Việt Nam (CCOP) với Hà Lan, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ… Thời gian tới, Cục Địa chất Việt Nam cùng Tổng hội Địa chất Việt Nam tiếp tục tham gia xây dựng, góp ý và phản biện để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất các tỷ lệ 1.50.000; 1:20.000…; điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản, khoanh định khu vực khoáng sản dự trữ quốc gia trên cả nước. Hai bên cũng thực hiện dự án phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao lĩnh vực địa chất; chế độ chính sách ưu đãi với người làm công tác địa chất; tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế.