Nâng tầng cao xây dựng trường học tại các quận trung tâm: Giải pháp tối ưu khi thiếu quỹ đất

Do hạn chế về quỹ đất, các quận trung tâm Hà Nội, nhất là tại 4 quận lõi, nhiều ngôi trường không bảo đảm về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học.

 Điểm trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hoàn Kiếm) nằm trong khuôn viên sân chùa Hàm Long từ nhiều năm nay.

Điểm trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hoàn Kiếm) nằm trong khuôn viên sân chùa Hàm Long từ nhiều năm nay.

Quận nào cũng khó

Nằm ngay trung tâm Thủ đô, trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, có hơn 800 học sinh đang theo học. Tuy nhiên, do thiếu đất nên ngôi trường này phải chia thành 3 điểm lẻ tại 35 Trần Hưng Đạo, 24 Trần Hưng Đạo và 18 Hàm Long. Tất cả các điểm trường này đều chung cảnh chật chội, ẩm thấp khi nằm chung trong khu dân cư, sân chùa, không có sân chơi để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi cho học sinh.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong chia sẻ, do đặc thù nằm trong khu phố cổ, phố cũ nên khuôn viên một số trường trên địa bàn quận còn nhỏ hẹp, chưa đủ diện tích theo chuẩn, thiếu sân chơi bãi tập, thiếu khu thể chất… chưa đáp ứng tốt nhất cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường còn điểm lẻ, chung địa điểm với chùa, với nhà dân nên công tác quản lý, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn.

Theo trình tự, muốn thực hiện việc nâng tầng trường học phải có thỏa thuận thống nhất của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, việc nâng tầng các trường học Hà Nội cần sớm được thể chế hóa trong tiêu chuẩn, quy chuẩn 4 quận nội đô lịch sử và nhanh chóng phê duyệt. Khi đó các quận sẽ thuận lợi hơn về các thủ tục hành chính trong thực hiện cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt, do nằm trong đô thị lõi, chính quyền quận cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, tăng diện tích của các cơ sở giáo dục. Từ năm 2016 đến nay, UBND quận đã rất cố gắng triển khai 25 dự án thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa, mở rộng các dự án trường học. Cũng vì thiếu quỹ đất mà phải mất gần 4 năm quận mới hoàn thành việc xóa trắng trường mầm non công lập tại phường Thanh Nhàn và Lê Đại Hành vào năm 2014.

Ngoài ra, nhiều trường mầm non, tiểu học có địa điểm lẻ chung với nhà dân từ nhiều năm nhưng quận không có điều kiện chuyển đổi vào một điểm. Hiện, quận Hai Bà Trưng còn tới 8 trường mầm non công lập có địa điểm lẻ, phân tán. Đây chính là bất cập lớn nhất để đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng trường chuẩn. Vì thế, quận đề nghị UBND TP tạo điều kiện tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp và quy đổi địa điểm lẻ tại các trường học.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt từ 60 - 70%. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 7 quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt so với chỉ tiêu, trong đó có đến 3 quận thuộc khu vực đô thị lõi là Hoàn Kiếm (59,5%), Đống Đa (57,1%), Ba Đình (51,1%).

Sớm gỡ vướng

Thực trạng quá tải tại, không gian chật chội của nhiều trường học khu vực nội thành Hà Nội tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các quận, nhất là các quận khu vực đô thị lõi đang vấp phải rào cản là thiếu quỹ đất. Đặc biệt, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, hiện cơ sở vật chất phục vụ giáo dục của địa phương còn nhiều khó khăn. Để tiết kiệm quỹ đất mà vẫn mở rộng được không gian giáo dục, quận đã đề xuất Bộ Xây dựng và các cấp chức năng cho phép nâng chiều cao xây dựng trường học. Nâng cao tầng trường học là để nâng diện tích sàn, đồng thời điều chỉnh diện tích dành cho ban hiệu bộ, giáo viên lên tầng cao, phòng học dưới thấp, bảo đảm công tác PCCC và công năng sử dụng nên khả thi. Tuy nhiên, quy trình thủ tục nâng tầng của một dự án trường học là khá dài và phức tạp, rất cần sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng trong việc điều chỉnh Quy chuẩn 06, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc này.

Nhằm đề xuất nới lỏng quy định yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, tại văn bản góp ý thẩm định về Dự thảo Nghị quyết Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở QH - KT đã có ý kiến về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, trong đó có tầng cao công trình. Theo đó, đối với các địa phương thiếu quỹ đất để thiết kế xây dựng trường học theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia thì nhất thiết phải nâng số tầng cao hơn quy định của QCVN 06:2010/BXD nhằm bảo đảm quy mô lớp học.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trong bối cảnh diện tích đất bình quân trên một học sinh ở khu vực nội đô Hà Nội hiện nay thấp hơn so với quy định chung thì việc đề xuất nâng tầng các trường học là giải pháp hợp lý vì không dễ có được quỹ đất để tăng diện tích đất xây dựng trường học. “Với khó khăn về quỹ đất như vậy, đã có một số trường học tại quận Hai Bà Trưng nâng lên 5 tầng trong khi tiêu chuẩn là 4 tầng. Việc này đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Như vậy, đề xuất nâng tầng trường học lần này là một giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục" - ông Đào Ngọc Nghiêm nói. Tuy nghiên, khi nâng tầng thì cần xem xét, bố trí chức năng sử dụng hợp lý, nhất là đối với các trường cấp tiểu học, THCS. Các tầng cao nên bố trí là các khu vực văn phòng, khối hiệu bộ... Việc này tránh học sinh phải lên tầng cao, sử dụng thang máy, bảo đảm an toàn PCCC.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-tang-cao-xay-dung-truong-hoc-tai-cac-quan-trung-tam-giai-phap-toi-uu-khi-thieu-quy-dat-381485.html