Nang Tarlov: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
Nang Tarlov với triệu chứng 'giả' thoát vị chính là 'cái bẫy chẩn đoán' mà người bệnh và thầy thuốc cần cảnh giác. Chẩn đoán chính xác bệnh nang Tarlov không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tiết niệu và vận động.
1. Nang Tarlov là gì?
Nang Tarlov hay còn gọi là bệnh nang rễ thần kinh là những nang chứa đầy dịch não tủy quanh rễ thần kinh, thường gặp nhiều ở vùng xương cùng, cuối cột sống. Các nang Tarlov xuất hiện dọc theo rễ sau của dây thần kinh, có thể có van hoặc không van, có thể có một hoặc nhiều nang. Trong thành nang có sợi xơ của rễ dây thần kinh tủy sống. Đây là điểm phân biệt của nang tarlov so với các tổn thương dạng nang khác ở tủy sống.
Nang Tarlov thường là những nang nhỏ và không gây triệu chứng. Tỉ lệ mắc nang Tarlov chiếm 5-9% dân số, rất hiếm gặp các nang lớn gây triệu chứng. Bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, tập trung ở độ tuổi 31-60. Ngoài Nang Tarlov cột sống, nang có thể xuất hiện ở những vị trí khác của cơ thể như bụng, bàn tay, cổ tay.

Vị trí u nang Tarlov ở cột sống cơ thể người. Ảnh minh họa
Nguyên nhân xuất hiện các nang Tarlov hiện chưa được xác định. Một số giải thuyết cho rằng quá trình viêm, chấn thương bao rễ thần kinh gây rò dịch não tủy vào các khu vực xung quanh tạo thành các nang. Các nang chứa dịch não tủy nên sự dao động của áp suất dịch não tủy có thể làm tăng kích thước của nang và phát triển các triệu chứng. Người bệnh nang rễ thần kinh tarlov đang từ không có triệu chứng có thể chuyển sang có triệu chứng sau chấn thương tai nạn, té ngã hoặc các hoạt động làm tăng áp suất dịch não tủy như khuân vác đồ nặng, lao động gắng sức.
2. Triệu chứng bệnh nang tarlov
Nang Tarlov có thể gây nhiều triệu chứng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, giảm hiệu suất làm việc và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nang Tarlov là những túi chứa dịch phát triển ở vùng rễ thần kinh, thường không dễ phát hiện và dễ bị nhầm với các bệnh lý cột sống khác, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm.
Các triệu chứng của nang Tarlov phụ thuộc vào kích thước và vị trí của nang, phần lớn các trường hợp nang không có triệu chứng (bệnh không triệu chứng). Tuy nhiên khi kích thước của nang tăng lên, ngày càng lớn thì nguy cơ xảy ra triệu chứng và tổn thương thần kinh sẽ cao lên.

Một trong những triệu chứng thường gặp ở người mắc nang Tarlov là thấy đau vùng thắt lưng. Ảnh minh họa AI
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh nang tarlov là đau mạn tính, đau ở vùng thắt lưng - xương cùng gây đau vùng thắt lưng dưới eo, lan đến mông và cẳng chân. Nếu nang ở tủy sống cao, có thể đau cả vùng lưng trên, nách, cánh tay, bàn tay. Các động tác ngồi, đứng, đi và cúi xuống đều gây đau. Tư thế giảm đau duy nhất là nằm nghiêng một bên.
Không chỉ gây đau, nang Tarlov còn liên quan đến hàng loạt triệu chứng thần kinh và cơ năng như: rối loạn tiểu tiện, tiểu không tự chủ, tiểu khó, bất lực ở nam giới và hiếm hơn là yếu cẳng chân. Điều này khiến người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Không ít bệnh nhân phải "chạy chữa" nhiều nơi, được chẩn đoán với các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, bệnh phụ khoa hoặc viêm màng nhện nhưng vẫn không cải thiện. Điều này cho thấy mức độ dễ nhầm lẫn và phức tạp trong việc chẩn đoán nang Tarlov – một tình trạng mà y văn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cập nhật.
Ngoài những biểu hiện kể trên, một số người còn ghi nhận đau đầu mạn tính, giảm thị lực, hoa mắt, chóng mặt hoặc yếu cơ bắp ở bàn chân, khiến người bệnh đi lại khó khăn (bàn chân rơi). Những nang lớn có thể gây xói mòn dần cấu trúc xương cột sống bên dưới, làm tăng nguy cơ gãy xương hoặc biến dạng cột sống.
Một số triệu chứng thường gặp khác ở nang Tarlov như:
Đau vùng mông, khó ngồi lâu.
Yếu cơ
Mất cảm giác trên da
Mất phản xạ vùng hậu môn, sinh dục
Rối loạn tiêu hóa như táo bón
Rối loạn chức năng bàng quan như tiểu lắt nhắt, tiểu không tự chủ
Rối loạn chức năng tình dục
Triệu chứng của các bệnh nhân nang tarlov có thể rất khác nhau, có thể bùng phát và sau đó giảm đi. Ngoài các triệu chứng nêu trên, trong y văn còn ghi nhận một số triệu chứng khác như đau đầu mạn tính, tăng áp lực sau mắt, giảm thị giác, hoa mắt, chóng mặt, xương cột sống nằm dưới nang bị thoái hóa mỏng dần, chứng bàn chân rơi (kéo lê bàn chân khi đi bộ vì sự yếu liệt cơ bắp ở gót và bàn chân khi đi bộ).
3. Chuẩn đoán bệnh nang Tarlov
Bệnh nang Tarlov thường nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nhau: thoát vị đĩa đệm, viêm màng nhện và bệnh phụ khoa,..
Nếu không được chẩn đoán đúng và chữa trị kịp thời, bệnh nang Tarlov có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, cần được thăm khám bởi Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Có thể làm một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Phim chụp MRI của một bệnh nhân nam giới, 42 tuổi cho ra kết quả bị nang Tarlov.
Nang Tarlov có thể được phát hiện bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau:
Chụp cộng hưởng từ MRI
Ghi điện cơ: để đánh giá chức năng thần kinh bị tổn thương do nang Tarlov gây nên.
4. Điều trị nang Tarlov bằng cách nào?
Nang Tarlov được cho là liên quan đến bất thường phát triển bẩm sinh của rễ thần kinh hoặc do chấn thương lặp lại, gây tích tụ dịch tại màng nhện, tạo thành nang. Nang này chèn ép rễ thần kinh và gây triệu chứng tương tự thoát vị đĩa đệm.
Mặc dù không phải tất cả các nang Tarlov đều cần can thiệp, nhưng khi chúng gây chèn ép và triệu chứng rõ rệt, việc điều trị là cần thiết. Một số trường hợp có thể áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn, nhưng nang lớn hoặc tiến triển nhanh có thể cần đến phẫu thuật.
Việc chẩn đoán đúng và kịp thời không chỉ giúp người bệnh thoát khỏi những cơn đau kéo dài mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như rối loạn chức năng sinh lý, tiêu tiểu hoặc vận động.
Theo đó, hướng điều trị bệnh lý này sẽ phức tạp hơn và phụ thuộc vào mức độ triệu chứng:
Hiện có mấy phương pháp sau:
4.1 Điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật gồm chọc hút nang dưới hướng dẫn CT, dẫn lưu dịch não tủy thắt lưng, hút dịch não tủy trong nang sau đó bơm keo sinh học lấp đầy nang. Nhược điểm của các phương pháp điều trị không phẫu thuật là không ngăn chặn được tái phát ở các nang có triệu chứng.
4.2 Điều trị phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật nang Tarlov bằng cách bộc lộ vùng cột sống nơi có nang, cắt mở nang, tháo lưu dịch nang sau đó bơm đầy keo sinh học hoặc các chất khác để ngăn chặn tái phát.

Có thể điều trị nang Tarlov bằng phương pháp phẫu thuật. Ảnh minh họa.
Các phương pháp phẫu thuật khác bao gồm:
Phá nang vi phẫu
Ngừa tái phát bằng kẹp clip hoặc khâu cột cuống nang
Phẫu thuật cắt nang hoặc/và cắt rễ thần kinh
Phẫu thuật cắt bản sống giải ép đơn giản
Phẫu thuật mở nang vi phẫu và khâu ghép.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, sau phẫu thuật rất có thể sẽ xảy ra tình trạng dò dịch não tủy. Đây là biến chứng sau phẫu thuật thường gặp nhất, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm trên giường với phần chân giường được nâng cao lên và mang áo nẹp để giảm sưng.
Đa số các bệnh nhân sau khi phẫu thuật triệu chứng được cải thiện, tình trạng đau giảm đáng kể tủy nhiên cũng có trường hợp sau mổ triệu chứng không cải thiện, thậm chí có trường hợp bệnh nhân triệu chứng tăng lên hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
Theo TS. Bác sĩ Nguyễn Duy Mạnh - Trưởng khoa Thần Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, dù mang biểu hiện tương tự song thoát vị đĩa đệm và nang Tarlov là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi cách tiếp cận và điều trị riêng biệt. Điều đáng lo ngại là nang Tarlov rất dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn, nhất là khi bác sĩ không nghi ngờ đến mặt bệnh này. Thậm chí, một số người bệnh có thể được điều trị theo hướng thoát vị đĩa đệm trong nhiều năm nhưng không cải thiện do nguyên nhân thực sự là nang Tarlov.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường kéo dài, đặc biệt là đau lưng kèm theo rối loạn tiểu tiện hoặc yếu chi, người bệnh nên chủ động thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa Thần kinh hoặc Cột sống, tránh tự ý điều trị hoặc kéo dài thời gian can thiệp.
Nang Tarlov với triệu chứng "giả" thoát vị chính là "cái bẫy chẩn đoán" mà người bệnh và thầy thuốc cần cảnh giác. Chẩn đoán chính xác không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tiết niệu và vận động.
Do đó, TS Nguyễn Duy Mạnh khuyên rằng, khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh đừng vội kết luận mà hãy để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và đánh giá đúng bản chất của bệnh lý, đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.