Nâng thế chủ động cho nông sản Việt khi hội nhập
Sáng nay, (2/7), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng phối hợp tổ chức Hội thảo 'CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt'.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp không còn là vấn đề tự sản tự tiêu, mà còn là sản xuất để bán cho thị trường trong nước và thị trường thế giới (Ảnh TL)
Hội thảo có sự tham dự của ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội; Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và sự tham dự của nông dân từ nhiều vùng miền trên cả nước, chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp...
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Thào Xuân Sùng khẳng định: Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.
Ngày 14/1/2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam và Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp định CPTPP. Là một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực.
Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt nam chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hội nhập là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA. Thế nhưng, bức tranh Hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: Xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, gạo thứ 3 thế giới; xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4 thế giới; xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới… Các Hiệp định FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với với Việt Nam và là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay. CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.
CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, tạo nên một khu vực kinh tế tự do rất lớn, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, CPTPP chỉ mang đến cho Việt Nam 3 thị trường mới bởi trong 10 nước đối tác của CPTPP thì ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 7 nước theo hình thức song phương hoặc đa phương hoặc cả hai.
Theo PGS,TS - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Đối với ngành nông nghiệp, hiện có 3 thách thức lớn đang phải đối mặt đó là: Năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ; Việt Nam là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu (Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1-2 tỷUSD), ảnh hưởng nặng nề tới nông dân - nông thôn và Hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh.
“Ba thách thức đó của nền nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, không còn là vấn đề tự sản tự tiêu, mà là sản xuất để bán cho thị trường trong nước và thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa hơn 40%, trong điều kiện hội nhập cạnh tranh gay gắt yêu cầu chất lượng cao hơn. Đối với thị trường thế giới với 7,5 tỷ dân, đặc biệt 10 thị trường trong CTTPP có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, thời gian, chủng loại, chất lượng rất khắt khe…”, ông Long nhấn mạnh.
Ngọc Hà
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-the-chu-dong-cho-nong-san-viet-khi-hoi-nhap-post64511.html