Nâng thương hiệu du lịch Tủa Chùa
Tủa Chùa có vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên đá với những lớp đá tai mèo, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt hay óng sắc vàng của mùa lúa chín. Tủa Chùa còn được biết đến là địa danh cách mạng, là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo...
Có lẽ, không vùng đất nào của tỉnh Điện Biên có những nét đặc sắc mang đậm vẻ đẹp Tây Bắc như Tủa Chùa. Là huyện miền núi, cách TP. Điện Biên Phủ gần 130km, Tủa Chùa hiện có 7 dân tộc cùng sinh sống, với đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống cũng như những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên dấu ấn riêng biệt.
Huyện Tủa Chùa có lợi thế lòng hồ Thủy điện Sơn La, trong vùng liên kết phát triển du lịch của 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu. Cùng với hệ thống hang động được xếp hạng Di tích cấp quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên như: Hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só); rừng chè Shan tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi (xã Sín Chải); hệ thống cao nguyên đá trải rộng trên địa bàn các xã Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng; di tích cấp tỉnh kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn)... Đây là những lợi thế hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng hết sức phong phú để phát triển du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm.
Ở mỗi thời điểm, mỗi mùa trong năm Tủa Chùa có vẻ đẹp riêng nhưng đẹp nhất vẫn là khoảng thời gian từ tháng 8 dương lịch năm trước đến tháng 5 dương lịch năm sau. Vào thời điểm này, lên Tủa Chùa du khách được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành; được thả tầm mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vào vụ lúa chín với nhiều gam màu tuyệt đẹp; những rừng đá tai mèo ngút ngàn tầm mắt. Lên Tủa Chùa vào mùa xuân, sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị tại các lễ hội xuân của đồng bào dân tộc Mông; được ngắm nhìn và thỏa sức chụp ảnh cùng hoa đào, hoa mận, hoa ban; được chiêm ngưỡng và trải nghiệm săn mây để có những tấm hình đẹp và độc đáo nhất.
Đặc biệt, đến với Tủa Chùa, du khách có thể tham gia vào các chợ phiên như Tả Sìn Thàng (họp vào các ngày Tý và Ngọ) và Xá Nhè (họp vào ngày Mão và Dậu). Ngoài ra, hàng tuần vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật, cũng có thể trải nghiệm chợ đêm tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Chợ đêm đa dạng phong phú hàng hóa từ trang phục thổ cẩm đến nông sản và đồ dùng gia đình, đều là sản phẩm cây nhà lá vườn đồng bào các dân tộc tự trồng, nuôi hoặc hái trong vườn, rừng. Ngoài vai trò thương mại, chợ phiên còn là ngày hội của bà con vùng cao, nơi mọi người tụ họp, gặp gỡ và giao lưu sau một tuần lao động.
Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Tủa Chùa xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế; phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách, góp phần tạo nguồn thu lâu dài, ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Rời Tủa Chùa khi mặt trời chưa ló rạng, sương mù còn bao phủ trên những ngọn núi, lưng đồi. Chúng tôi tin rằng với tầm nhìn đúng, chiến lược bài bản, giải pháp phù hợp, truyền thống đoàn kết thống nhất, ý chí khát vọng vươn lên; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân... Du lịch của huyện ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị và tầm thương hiệu.
Sơn Tùng