Nâng thương hiệu Halal của Malaysia lên tầm cao mới

Mặc dù được công nhận là quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp Halal toàn cầu, Malaysia không được ngủ quên trên chiến thắng. Lý do là các quốc gia khác hiện đang cạnh tranh để thống trị thị trường nghìn tỷ USD này.

Nhanh hơn, chiến lược hơn và mạnh mẽ hơn

Báo The Star trích dẫn ý kiến trên của Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, nhấn mạnh rằng Malaysia cần phải hành động nhanh hơn, áp dụng nhiều biện pháp chiến lược hơn và thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn. Mục đích là đảm bảo không chỉ duy trì vị thế là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp Halal mà còn nổi lên như một trung tâm tham chiếu chính cho tất cả lĩnh vực của hệ sinh thái Halal.

Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi nhấn mạnh việc nâng tầm của thương hiệu Halal Malaysia trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu. (Nguồn: Bernama)

Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi nhấn mạnh việc nâng tầm của thương hiệu Halal Malaysia trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu. (Nguồn: Bernama)

Trong bài đăng trên mạng Facebook hôm nay 8/2, ông Ahmad Zahid Hamidi nêu thực tế là "cuộc cạnh tranh đang trở nên gay gắt hơn khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực này”.

Ông Ahmad Zahid, Chủ tịch Ủy ban cấp cao về điều phối chương trình nghị sự Halal quốc gia cho biết thêm, tính đến tháng 12/2024, ngành công nghiệp Halal đã đóng góp 7,7% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 146,6 tỷ RM (khoảng 33 tỷ USD), trong khi ngành công nghiệp Halal toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Ủy ban đi đầu trong “các nỗ lực để phát triển một chiến lược mới, năng động hơn và hiệu quả hơn nhằm nâng tầm thương hiệu Halal của Malaysia lên tầm cao mới”, ông Ahmad Zahid khẳng định. “Mục tiêu chính của chiến lược này là nâng cao khả năng cạnh tranh của các thương hiệu Halal Malaysia trên trường quốc tế, tận dụng tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu đang không ngừng mở rộng”.

Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, 6 lĩnh vực chính được xác định là cốt lõi của quá trình chuyển đổi hệ sinh thái Halal của Malaysia, trong đó chính sách Halal quốc gia sẽ được xem xét và cải thiện để phù hợp với sự phát triển toàn cầu và đáp ứng nhu cầu của hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Tận dụng tối đa nền tảng kỹ thuật số

Ông Ahmad Zahid cho biết, hệ thống chứng nhận Halal sẽ được số hóa hoàn toàn để đẩy nhanh và đơn giản hóa quy trình nộp đơn, với mục tiêu đạt được 100% số hóa vào năm 2026. Trong khi đó, các cơ chế giám sát và thực thi sẽ được tăng cường để đảm bảo độ tin cậy của chứng nhận Halal của Malaysia.

Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp Halal của Malaysia sẽ tập trung vào dược phẩm Halal, hậu cần Halal và công nghệ thực phẩm. (Nguồn: MalayMail)

Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp Halal của Malaysia sẽ tập trung vào dược phẩm Halal, hậu cần Halal và công nghệ thực phẩm. (Nguồn: MalayMail)

Ngoài ra, ông Ahmad Zahid lưu ý rằng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp Halal sẽ tập trung vào các lĩnh vực có giá trị cao như dược phẩm Halal, hậu cần Halal và công nghệ thực phẩm, trong đó riêng mảng dược phẩm Halal ước tính có giá trị 134 tỷ USD.

Để đảm bảo các sản phẩm Halal của Malaysia có thể thâm nhập nhiều thị trường quốc tế hơn, theo Chủ tịch Ủy ban cấp cao về điều phối chương trình nghị sự Halal quốc gia, chiến lược tiếp thị mới sẽ tận dụng tối đa các nền tảng kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Triển lãm Halal quốc tế Malaysia (MIHAS), với tư cách là triển lãm Halal lớn nhất thế giới, “sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng chiến lược để thu hút các nhà đầu tư và khách hàng toàn cầu”, với mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal lên 63,1 tỷ RM (khoảng 14,2 tỷ USD) vào năm 2025, so với 40 tỷ RM (hơn 9 tỷ USD) vào năm 2023.

Bên cạnh đó, việc quản lý nhân lực Halal sẽ được tăng cường thông qua đào tạo, chứng nhận chuyên môn và mở rộng các chương trình Giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp Halal (TVET), với mục tiêu đào tạo 50.000 lao động Halal có trình độ vào năm 2030.

Ông Ahmad Zahid cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển Halal thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức học thuật và ngành công nghiệp, nhằm gia tăng đổi mới trong các sản phẩm và dịch vụ Halal.

Quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ thành lập nhiều hơn trung tâm xuất sắc Halal để đẩy mạnh đổi mới và chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực này.

"Malaysia phải đi đầu trong việc chuyển đổi ngành công nghiệp Halal toàn cầu, cùng với một chiến lược rõ ràng và sự hợp tác chặt chẽ”. Có như vậy, theo ông Ahmad Zahid, “đất nước chúng ta sẽ tiếp tục là một trung tâm Halal đáng tin cậy và vượt trội”.

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-thuong-hieu-halal-cua-malaysia-len-tam-cao-moi-303648.html