Nàng tiên cá co giật suốt 5 phút, suýt chết dưới đáy bể: Công việc mơ ước hay 'bẫy tử thần'?

Từng được xem là công việc mơ ước vì thu nhập cao, ngoại hình lộng lẫy và được 'bơi như bay', nghề biểu diễn nàng tiên cá tại các bể thủy cung Trung Quốc đang dần để lộ những góc khuất đáng sợ.

Không có cứu hộ, không có hợp đồng, không có lối thoát

Tháng 4 vừa qua, mạng xã hội Trung Quốc chấn động với đoạn clip quay lại cảnh một nữ diễn viên thủy cung co giật dưới đáy bể tại khu vui chơi Thế giới Đại dương Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Trong hơn 5 phút, cô vùng vẫy tuyệt vọng dưới nước mà không có ai ứng cứu. Chỉ đến khi mọi chuyện suýt vượt tầm kiểm soát, lực lượng cứu hộ mới xuất hiện.

Sau đó, cô kể lại với truyền thông rằng khi đang trồi lên để lấy hơi, mặt nạ thở bị dòng nước cuốn bật ra. Chân vịt rơi mất khiến cô không thể đạp nước nổi lên. Và thế là giữa ánh đèn lung linh và tiếng nhạc cổ tích, một nàng tiên cá thật sự cận kề cái chết.

Lâm Diên, một nữ diễn viên thủy cung tại Thâm Quyến, cho biết phần lớn thủy cung đều cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. “Nhiều nơi không bố trí cứu hộ chuyên nghiệp, cũng không có quy trình cấp cứu rõ ràng. Chúng tôi tự xoay xở trong bộ đuôi nặng như 10kg, tự bảo vệ mình trong nước sâu. Có khi sự cố xảy ra chỉ trong vài giây, nhưng hậu quả thì không lường trước được.”

Một diễn viên khác ở Thanh Đảo chia sẻ, cô từng phải tự tháo đuôi và bơi lên trong tình trạng gần như không còn trang phục. Những lần như thế để lại nỗi sợ hãi đến mức nhiều người đã chọn bỏ nghề.

Ảnh cắt từ clip

Không chỉ nguy hiểm, nghề “nàng tiên cá” còn khắc nghiệt ở tiêu chuẩn ngoại hình. Các diễn viên bị yêu cầu phải cao từ 1,68 đến 1,72m, eo nhỏ, ngực đầy, da đẹp. Phụ nữ từng sinh con hầu như bị loại do "ảnh hưởng vóc dáng". Độ tuổi càng cao, cơ hội càng thấp. “Cứ một gương mặt trẻ được chọn, thì một người lớn tuổi sẽ bị loại,” một diễn viên nói.

Trang điểm bị cấm để bảo vệ sinh vật biển, còn kính lặn cũng không được dùng ở nhiều nơi vì lý do thẩm mỹ. Diễn viên phải mở mắt trong nước, điều chỉnh biểu cảm, tạo dáng bồng bềnh. Mỗi màn trình diễn chỉ vài phút nhưng khiến cơ thể họ dần kiệt quệ.

Sức khỏe xuống cấp, thu nhập sụt giảm

Nhiệt độ bể thường dao động từ 26 đến 28 độ C, thấp hơn nhiều so với mức lý tưởng. Những lúc hệ thống sưởi gặp sự cố, người biểu diễn phải chịu đựng cái lạnh thấu xương, nhất là ở bể ngoài trời. “Người ta lo cho cá hơn diễn viên,” Lâm Diên thẳng thắn.

Hậu quả là hàng loạt vấn đề sức khỏe xuất hiện: viêm tai giữa, rụng tóc, tổn thương da, đau khớp, ảnh hưởng nội tạng.

Những "nàng tiên cá" Trung Quốc gặp nhiều áp lực về công việc và chế độ đãi ngộ. (Ảnh: News)

Những "nàng tiên cá" Trung Quốc gặp nhiều áp lực về công việc và chế độ đãi ngộ. (Ảnh: News)

Trước đây, thu nhập của nghề này từng ở mức khá cao, khoảng 15.000 tệ/tháng (tương đương khoảng 55 triệu đồng). Nhưng hiện tại, mức lương chỉ còn khoảng 8.000 tệ (30 triệu đồng). Nhiều thủy cung thậm chí còn ưu tiên thuê diễn viên nước ngoài để tạo sức hút, khiến cơ hội cho người bản địa càng thu hẹp.

Năm 2024, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thanh tra toàn quốc đối với các hoạt động biểu diễn dưới nước, yêu cầu các tổ chức lặn có giấy phép và nhân viên được đào tạo. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể cho loại hình biểu diễn tiên cá.

Trong khi khán giả vẫn bị mê hoặc bởi những vũ điệu dưới nước, thì những cô gái đang khoác lên mình đuôi cá phải chiến đấu từng ngày để giữ nghề, giữ sức khỏe và giữ mạng sống.

NB (T/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nang-tien-ca-co-giat-suot-5-phut-suyt-chet-duoi-day-be-cong-viec-mo-uoc-hay-bay-tu-than-19929.html