Nâng ý thức chấp hành để ngừa 'giặc lửa'

Thường trực HĐND tỉnh vừa tiến hành đợt giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống cháy nổ tại thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng và Yên Thế. Qua giám sát cho thấy khó thắng được 'giặc lửa' nếu ý thức chấp hành không cao.

Không thể “tay không bắt giặc”

Toàn tỉnh hiện có 28.159 cơ sở có điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thuộc diện quản lý của công an 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Riêng thị xã Việt Yên, địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh hiện có hơn 6.000 cơ sở, luôn có từ 70 - 100 nghìn người thuê trọ (tạm trú) kéo theo các dịch vụ như: Nhà hàng, nhà ở kết hợp kinh doanh, quán karaoke và khu nhà trọ tự phát phát triển. Tuy nhiên các cơ sở này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Vừa qua, UBND thị xã đã thông báo tới 418 chủ nhà trọ cao tầng chưa bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn cần phải có ngay các biện pháp khắc phục nếu không sẽ bị đình chỉ hoạt động.

 Đoàn giám sát khảo sát tại một nhà hàng karaoke ở phường Nếnh, thị xã Việt Yên.

Đoàn giám sát khảo sát tại một nhà hàng karaoke ở phường Nếnh, thị xã Việt Yên.

Trên địa bàn huyện Yên Dũng có 2 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp cũng thu hút nhiều lao động đến thuê trọ. Toàn huyện có 2.469 cơ sở có điều kiện về PCCC. Quá trình công nghiệp hóa, nhiều ao, hồ, kênh mương bị san lấp dẫn đến hệ thống nước chữa cháy tự nhiên bị thu hẹp. Khi quy hoạch, xây dựng khu dân cư (ở xã Nội Hoàng, thị trấn Tân An), một số chủ đầu tư chưa quan tâm xây dựng hệ thống trụ cấp nước chữa cháy hoặc bể nước dự trữ.

Đặc biệt là nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của một bộ phận người dân, người đứng đầu cơ sở sản xuất, chủ hộ kinh doanh còn hạn chế, có tâm lý chủ quan; thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy nổ. Đáng chú ý, diện tích rừng toàn huyện là hơn 1,3 nghìn ha nhưng có tới 1 nghìn ha có nguy cơ cháy cao và thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng mà nguyên nhân chủ yếu do người dân bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống cháy rừng.

Tại huyện Yên Thế, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư là rất ít, nhưng huyện có diện tích rừng lớn, cùng hơn 100 cơ sở chế biến lâm sản (gỗ băm, gỗ bóc...) tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vào mùa hanh, khô. Địa bàn có nhiều đập, hồ, sông, suối nhưng không có bến cấp nước, đường giao thông nhỏ hẹp khó khăn cho công tác chữa cháy. Do điều kiện kinh phí của địa phương còn khó khăn nên đầu tư cho công tác PCCC còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, phần lớn là kinh doanh hộ gia đình nên xây dựng thiếu đồng bộ, tự phát.

“Giao thông - nguồn nước” là hai yếu tố quan trọng trong công tác chữa cháy nhưng tại nhiều nơi đến khảo sát thấy còn bất cập. Trên địa bàn thị xã Việt Yên còn nhiều đường thôn, xóm nhỏ, có cột bê tông ở đầu đường. Một số khu nhà trọ, cho thuê lưu trú nhiều tầng, nhiều phòng, ngõ chật hẹp, nguồn nước phục vụ công tác PCCC hạn chế. Vì vậy, nếu xảy ra hỏa hoạn, xe chữa cháy không thể hoặc chậm tiếp cận được hiện trường. Có những nơi họng nước hỏng, khi xảy ra cháy không có nước. Kiểm tra ngẫu nhiên một số cơ sở thấy bình chữa cháy hết khí, không bảo quản cẩn thận dẫn đến hỏng hóc, không sử dụng được...

Không thể “tay không bắt giặc”, giả sử đặt ra tình huống cháy rừng, lực lượng không thiếu, nhưng nếu không có dụng cụ, phương tiện thì dù có đông người vẫn cản không nổi “giặc lửa”. Tại huyện Yên Thế, 197 đội dân phòng với hàng nghìn thành viên mặc dù có được tập huấn, hướng dẫn nhưng phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy còn rất thô sơ khi mà mỗi đội chỉ được trang bị 2 bình chữa cháy mi ni; không có đồ dùng bảo hộ.

Quan trọng vẫn là ý thức

Dù có đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC hiện đại; xây dựng nhiều điểm chữa cháy công cộng; thành lập nhiều đội dân phòng, tổ liên gia an toàn về PCCC... mà ý thức chấp hành không tốt thì không thể chiến thắng được “giặc lửa”. Vì vậy, kết luận đợt giám sát tại các địa phương, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đều nhấn mạnh: “Phải rất coi trọng công tác phòng ngừa, đó là điều nhà nhà, người người cần phải nắm rõ trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các biện pháp tối ưu nhất để bảo đảm công tác an toàn PCCC. Phải có kiến thức, hiểu biết để khi có cháy xảy ra còn biết cách ứng phó”.

Với phương châm phòng ngừa là chính, Đoàn giám sát đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân, chủ hộ sản xuất, kinh doanh về PCCC và cứu nạn, cứu hộ để mỗi người dân có ý thức tự giác, hiểu rõ về mối nguy hiểm của cháy, nổ, từ đó chấp hành tốt, đúng, kịp thời. Trong đó, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC, nhất là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, nhà trọ, quán hát, cơ sở sản xuất kinh doanh khác.

Nâng cao ý thức trong sản xuất và đời sống. Bởi chỉ cần bất cẩn với nguồn điện, với lửa là có thể gây cháy hay đi rừng mà mang theo lửa là khởi nguồn cho thảm họa mùa hanh khô. Quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy; kỹ năng thoát nạn. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) khi xảy ra cháy, tránh tình trạng thấy cháy nhỏ mà chủ quan đứng nhìn, chờ lực lượng cứu hỏa đến thì đã không kịp.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-y-thuc-chap-hanh-de-ngua-giac-lua-092128.bbg