Não của trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ có gì khác biệt

Ngưng thở khi ngủ có thể khiến bộ phận não của trẻ vị thành niên chịu trách nhiệm cho việc học hỏi, ghi nhớ trở nên mỏng hơn hoặc bị viêm.

 Vỏ não ở trẻ bị ngưng thở khi ngủ mỏng hơn so với nhóm trẻ còn lại trong khi vùng hồi hải mã lại lớn hơn. Ảnh: Unsplash.

Vỏ não ở trẻ bị ngưng thở khi ngủ mỏng hơn so với nhóm trẻ còn lại trong khi vùng hồi hải mã lại lớn hơn. Ảnh: Unsplash.

Theo Sciencealert, kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu do nhóm nhà khoa học từ Hàn Quốc và Mỹ thực hiện trên số lượng lớn trẻ vị thành niên Mỹ.

Khoảng một nửa số trẻ em béo phì có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, đóng đường thở ngắt quãng trong khi ngủ làm giảm lượng oxy đi vào máu trong thời gian ngắn.

Tình trạng cơ thể và não bị thiếu oxy có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, học tập, sự tập trung cũng như các vấn đề về hành vi khác.

Raanan Arens, bác sĩ về hô hấp và giấc ngủ tại Bệnh viện Nhi đồng ở Montefiore, New York, Mỹ, muốn tìm hiểu xem chứng ngưng thở khi ngủ có định hình lại não bộ của trẻ vị thành niên hay không.

Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến vỏ não và hồi hải mã

Cùng với cộng sự, Arens tuyển 130 trẻ thừa cân hoặc béo phì rồi theo dõi giấc ngủ của họ qua đêm. Khoảng một nửa trong số đó được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ và chưa từng được điều trị trước đây.

Mỗi người tham gia nghiên cứu đều được chụp cộng hưởng từ để kiểm tra cấu trúc của vỏ não và hồi hải mã. Đây là hai vùng não chịu trách nhiệm về sự tư duy cao cấp như đưa ra quyết định, học tập, ghi nhớ.

Nghiên cứu cho thấy não của người bị ngưng thở khi ngủ có vỏ mỏng hơn đáng kể ở vùng đỉnh so với nhóm còn lại. Triệu chứng càng nghiêm trọng, vùng não này càng mỏng.

Vùng đỉnh phía trên bên phải nằm về phía sau của não rất quan trọng để xử lý kí ức và thông tin từ các giác quan. Nhóm nghiên cứu cho biết khu vực này mỏng đi có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ.

 Vùng đỉnh trên bên phải mỏng hơn đáng kể ở trẻ vị thành niên bị ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Sleep.

Vùng đỉnh trên bên phải mỏng hơn đáng kể ở trẻ vị thành niên bị ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Sleep.

Trước đây, tình trạng này có xảy ra ở người lớn bị mất ngủ và trẻ em có khả năng gặp những vấn đề gây căng thẳng, chẳng hạn cha, mẹ đơn thân hoặc gia đình có thu nhập thấp. Trong các thí nghiệm trên động vật gặm nhấm bị thiếu oxy liên tục, tế bào chết trong não cũng khiến vỏ não mỏng đi.

Ngoài ra, thể tích hồi hải mã ở trẻ bị ngưng thở khi ngủ lớn hơn người trong nhóm đối chứng. Độ chênh lệch tăng theo mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này có thể do sưng và viêm trong não.

Tổn thương vùng não này cũng được tìm thấy ở thiếu niên mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và có thể liên quan đến chứng rối loạn phổ tự kỷ.

 Hồi hải mã ở một bé gái 12 tuổi mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Sleep.

Hồi hải mã ở một bé gái 12 tuổi mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Sleep.

Điều trị ngưng thở khi ngủ cho trẻ

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ càng sớm ở trẻ em càng giúp bảo vệ sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.

Ngáy là cảnh báo nguy hiểm cho chứng ngưng thở khi ngủ. Trong khoảng 20% trẻ em ngủ ngáy, 1-6% trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các rối loạn hô hấp khác liên quan đến giấc ngủ.

Các dấu hiệu cảnh báo ngưng thở khi ngủ các có thể được phát hiện trong khi ngủ bao gồm: Thở hổn hển, khịt mũi, đổ mồ hôi hoặc bồn chồn, ngủ ở tư thế bất thường hay thở bằng miệng thay vì mũi. Trẻ mắc chứng này có thể cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn hoặc nghẹt mũi vào ban ngày.

Sự mở rộng của amidan vòm ở phía sau mũi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em và việc loại bỏ chúng có thể giúp giảm các triệu chứng.

Ngưng thở khi ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ bị dị ứng hoặc sốt, hàm nhỏ hoặc khuôn mặt bẹt hay trẻ mắc các bệnh ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp như hội chứng Down.

Các phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể bao gồm giảm cân cho trẻ béo phì hoặc thừa cân, điều trị dị ứng hoặc sử dụng máy thở áp dương liên tục (CPAP) giúp giữ cho đường thở thông thoáng vào ban đêm.

Mỹ Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nao-cua-tre-mac-chung-ngung-tho-khi-ngu-co-gi-khac-biet-post1418799.html