Nạo vét, thông luồng các cảng cá: Cần xã hội hóa trong kêu gọi đầu tư
Xã hội hóa công tác nạo vét, thông luồng cửa biển, các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá.
Cảng cá thường xuyên bị bồi lấp
Cảng cá Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được xây dựng năm 2009, có diện tích 4,5ha, tổng chiều dài luồng 1.950m, rộng 30m, đáp ứng cho 500 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên vào neo đậu, tránh trú. Trong giai đoạn 2009- 2013, bình quân mỗi năm, Cảng cá Sa Huỳnh đón gần 8.000 lượt tàu thuyền ra vào, trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên chiếm trên 95%; tiếp nhận trên 12 nghìn tấn hải sản và hơn 2 nghìn tấn hàng hóa khác qua cảng. Còn Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2008, đảm bảo nơi neo đậu cho 350 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Bình quân mỗi năm, Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa đón khoảng 2.300 lượt tàu thuyền công suất lớn ra vào và trên 8 nghìn tấn hải sản qua cảng.
Luồng bị bồi lấp nên hầu hết tàu cá cập Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để bán sản phẩm là tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Cảng cá Sa Huỳnh và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa có ít tàu cập cảng, vì luồng lạch liên tục bị bồi lấp. Tại Cảng cá Sa Huỳnh, có đến gần 1.000m luồng đã bị bồi lấp, trong đó có 650m bị bồi lấp không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào. Vì vậy, hiện nay mỗi ngày chỉ có khoảng chục tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ cập cảng Sa Huỳnh. Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, vì nguồn lực hạn chế nên các cửa biển không được nạo vét và thông luồng định kỳ hằng năm, dẫn đến tình trạng bồi lấp ngày càng trầm trọng. Điều này khiến ngư dân ngại đưa tàu cập cảng, kéo theo nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Sa Huỳnh ngày càng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân.
Kêu gọi đầu tư xã hội hóa
Kinh phí đầu tư nạo vét, thông luồng cửa biển, các cảng cá là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, nên không thể triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2017 - 2021, ngân sách tỉnh bố trí trên 4,6 tỷ đồng thực hiện các dự án nạo vét, thông luồng Cảng cá Sa Huỳnh và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Tuy nhiên, việc nạo vét, thông luồng chỉ thực hiện tại những đoạn xung yếu, bồi lấp nặng nên hiệu quả thấp, thậm chí xảy ra tình trạng “vét chỗ này, bồi chỗ khác”.
Xã hội hóa công tác nạo vét, thông luồng cửa biển, các cảng cá là một trong những giải pháp căn cơ, vừa giảm áp lực kinh phí nhà nước, vừa nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có doanh nghiệp đáp ứng về năng lực; công tác kiểm tra, kiểm soát việc nạo vét, thông luồng hàng hải của các đơn vị còn lỏng lẻo, chưa kịp thời. Các ngành, đơn vị liên quan chưa xác định được vị trí đổ thải phù hợp; chưa có cơ sở xác định chi phí thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án...
Năm 2019, UBND tỉnh đã giao Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Ân Phú (nhà đầu tư) phối hợp với UBND huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) và Ban Quản lý các cảng cá tỉnh lập phương án nạo vét, chống bồi lấp luồng tàu ra vào Cảng cá Sa Huỳnh, kết hợp thu hồi sản phẩm. Đây được xem là tiền đề để triển khai thực hiện phương án xã hội hóa công tác nạo vét, thông luồng hàng hải trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về mặt thủ tục, quy trình thực hiện nên phương án nạo vét, chống bồi lấp luồng tàu ra vào Cảng cá Sa Huỳnh không thể tổ chức thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, để khuyến khích doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia nạo vét, thông luồng hàng hải, trước hết tỉnh cần có chính sách kêu gọi nhà đầu tư tham gia ngay từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình nạo vét của doanh nghiệp đúng luồng tuyến đã duyệt, đúng thiết kế và khối lượng, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích và hiệu quả công trình.
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản duy trì ở mức 275 nghìn tấn/năm, giá trị thủy sản xuất khẩu đạt 25 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm là thu hút tàu thuyền công suất lớn cập về các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền của tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả nghề cá và thúc đẩy các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bài, ảnh: MỸ HOA