Nạo vét, thông luồng các cửa biển: Cần giải pháp căn cơ
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung các nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư xây dựng các cảng cá, khu tránh trú bão quan trọng phục vụ cho tàu cá của ngư dân ra vào, neo đậu, tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận nhiên liệu và tránh trú bão. Tuy nhiên, các cửa biển trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, các tuyến luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng, hệ thống thoát nước hư hỏng gây ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là cảng cá La Gi và cảng cá Phan Rí Cửa.
Khó khăn khi ra vào cảng
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 8 cửa sông, cửa biển có tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân, tính từ Bắc vào Nam, gồm: Cửa Liên Hương, cửa Phan Rí thuộc huyện Tuy Phong; cửa Phú Hải, cửa Cà Ty thuộc thành phố Phan Thiết; cửa Ba Đăng, cửa La Gi thuộc thị xã La Gi; cửa Hồ Lân, cửa Hà Lãng thuộc huyện Hàm Tân. Tất cả các cửa sông, cửa biển nêu trên đều thuộc danh mục quy hoạch xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số này, có 5 cửa đã đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá (gồm các cửa: Liên Hương, Phan Rí, Phú Hải, Cà Ty và La Gi).
Cửa biển thị trấn Phan Rí Cửa (ảnh: N. Lân)
Tuy nhiên, tình trạng bồi lấp luồng lạch cửa sông, cửa biển, khu neo đậu, cảng cá là tồn tại, diễn ra nhiều năm, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp bàn biện pháp xử lý, ban hành nhiều văn bản phân giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương. Tuy vậy, kết quả thực hiện còn rất hạn chế, các dự án xã hội hóa nạo vét tận thu cát nhiễm mặn bù chi phí bộc lộ nhiều bất cập, kéo dài, chưa đạt mục tiêu, làm cho ngư dân bức xúc. Vì cửa biển bồi lấp sẽ làm cạn luồng chảy, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, dễ xảy ra tai nạn...
Cửa biển bồi lấp sẽ làm cạn luồng chảy, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn (ảnh:N. Lân)
Tại cửa biển Phan Rí Cửa, tình trạng bồi lấp cứ tái diễn, khiến ngư dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Dù dự án nạo vét đã được giao cho một công ty thực hiện bằng hình thức xã hội hóa từ năm 2010. Đến nay, Bình Thuận đã 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư về việc nạo vét khẩn cấp khu vực luồng cửa biển và vùng nước trước cảng cá Phan Rí Cửa, nhưng khối lượng nạo vét không như mong đợi. Cuối năm 2023, 1 thuyền đánh bắt hải sản ở khu phố Hải Tân 3, thị trấn Phan Rí Cửa khi đang đánh rập cách cửa biển Phan Rí Cửa 6m, gặp sự cố do sóng to gió lớn đánh chìm thuyền. Hay trường hợp thuyền BTh-86892-TS công suất 45 CV do ông Lê Minh Diệp trú khu phố Thanh Giang 1, thị trấn Phan Rí Cửa làm chủ phương tiện, khi đang hành trình từ biển vào cảng cá Phan Rí Cửa bán hải sản cũng bị nước cạn, sa vào cồn dẫn đến chìm thuyền. Hiện gia đình đang tìm cách trục vớt phương tiện đưa vào cảng cá Phan Rí Cửa để sửa chữa, ước thiệt hại 2 trường hợp trên hàng trăm triệu đồng. Tại cửa biển này đã xảy ra rất nhiều trường hợp tàu thuyền “mắc cạn” và ngư dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.
Theo Ban quản lý cảng cá Phan Rí Cửa, do ra vào cảng khó khăn nên nhiều tàu lớn của ngư dân ở huyện Tuy Phong phải vào cập cảng Phan Thiết, cảng cá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để bán sản phẩm. Nếu muốn cập cảng Phan Rí, phải phân chia hàng hóa lên các ghe, tàu nhỏ hơn để vận chuyển từ giữa sông vào cầu cảng dẫn đến tăng chi phí cho các chủ tàu. Đồng thời, gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, vì thiếu nguyên liệu.
Cảng cá La Gi (ảnh: N. Lân)
Ưu tiên thực hiện chống khai thác IUU
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc nạo vét, xử lý bồi lấp luồng lạch cửa sông, cửa biển, khu neo đậu, cảng cá ngoài mục tiêu chính là phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, còn nhằm thực hiện nhiệm vụ có tính cấp bách cao hiện nay là đảm bảo điều kiện hoạt động của cảng cá, phục vụ kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng hải sản khai thác, chống khai thác IUU. Do đó, cần xác định rõ mục tiêu chính, ưu tiên, tính kịp thời, cần có các giải pháp căn cơ, có cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Hệ thống cống thoát nước đã ứ đọng rác, tắc nghẽn; mặt bến bong tróc, lồi lõm tại cảng cá La Gi
Đảm bảo điều kiện hoạt động của cảng cá, giám sát sản lượng hải sản khai thác, chống khai thác IUU. Ảnh: N. Lân.
Nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp, ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng các cảng. Theo đó, dự án Nâng cấp hạ tầng Cảng cá Phan Rí Cửa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3166/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 và được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt dự án đầu tư. Dự kiến lựa chọn nhà thầu trong quý I/2024, hoàn thành cuối năm 2024.
Riêng tại cảng cá La Gi, hiện trạng tại khu vực bến 200 - 400CV, hệ thống cống thoát nước đã ứ đọng rác, tắc nghẽn; đường giao thông đã sụp lún, hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo vệ sinh môi trường - một trong những khuyến nghị mà EC yêu cầu các tỉnh phải đáp ứng tiêu chí. Các hư hỏng trên gây khó khăn trong việc neo đậu bốc dỡ sản phẩm thủy sản, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu hậu cần nghề cá và ảnh hưởng đến phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cảng. Do tính bức xúc, ô nhiễm môi trường trầm trọng, UBND tỉnh có Công văn số 3476/UBND-KT ngày 14/9/2023 thống nhất chủ trương cho sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng, ô nhiễm môi trường tại khu vực bến 200 - 400CV, phục vụ công tác chống khai thác IUU. Hiện đang trong giai đoạn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình, dự kiến thực hiện thi công đầu quý II/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang tổng hợp, rà soát từng cửa sông, cửa biển có tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân xác định rõ mục tiêu chính, ưu tiên, đề xuất các giải pháp căn cơ, có cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.