Napoleon chấm dứt hôn nhân với người vợ lớn tuổi như nào?

Napoleon là nhân vật đặc biệt, vĩ đại trong lịch sử Pháp, cũng như lịch sử thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng của ông là chủ đề của hàng nghìn cuốn sách trong suốt hai thế kỷ qua. Trong số những cuốn sách về ông được dịch ra tiếng Việt, Napoleon đại đế nổi lên bởi tầm vóc, quy mô, giàu sử liệu.Napoleon nói với Josephine là ông muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân của họ. 'Em có con', ông nói, 'anh chưa có'.

Sự tàn nhẫn của Napoleon thể hiện rõ rệt trong động thái tiếp theo của ông. Cuộc hôn nhân khép kín, êm đềm, dễ chịu mà ông và Josephine đã xây dựng từ khi ông trở về từ Ai Cập - trong đó bà than phiền về những mối quan hệ của ông song vẫn chung thủy với ông - giờ đây là một vật cản cho các tham vọng chính trị và triều đại của ông, cũng như những điều mà ông cho là lợi ích tốt nhất của Pháp, và vì thế nó phải kết thúc.

Ông rời Schönbrunn ngày 16/10 và trở về Fontainebleau lúc 9 giờ sáng 26 (Pauline và một trong những hầu gái của cô, nữ Nam tước Christine de Mathis tròn trịa xinh đẹp 25 tuổi người Piedmont chuyên đọc sách cho Pauline, tới thăm ông vào tối đó và Napoleon gần như ngay lập tức bắt đầu một mối quan hệ với Christine, điều sẽ còn kéo dài tới tối hôm trước lễ cưới của ông. Sau này ông nói về cô gái “cô ta chấp nhận các món quà”).

Ông ra lệnh xây bịt lại cửa thông giữa phòng ngủ của ông và của Josephine; không có gì siêu hình hay mơ hồ trong thông điệp chối bỏ này. “Tất cả sự ân cần từ phía Hoàng đế, tất cả sự quan tâm dành cho mẹ tôi đã biến mất”, Hortense viết về thời gian đau khổ này, “ông ấy trở nên bất công và hay bực dọc trong thái độ… Tôi ước gì việc ly hôn đã được công bố”.

 Một phần bức tranh vẽ Napoleon và Josephine của Harold Hume Piffard.

Một phần bức tranh vẽ Napoleon và Josephine của Harold Hume Piffard.

Gia đình chuyển tới Tuileries ngày 15/11, và tới ngày 27 thì Bausset, người quan sát ở cự ly gần khi cuộc hôn nhân bước vào đoạn kết tệ hại của nó, đã nhận thấy “một thay đổi lớn trên nét mặt Hoàng hậu, và sự im lặng gượng gạo ở Napoleon".

Nếu Đế chế của ông là một chế độ lâu đời đã được thiết lập vững chãi, nó có thể sống sót được khi một người em trai hay một người cháu lên kế vị, song Đế chế của Napoleon còn chưa tồn tại được năm năm, và ông đã đi đến kết luận rằng để triều đại Bonaparte tồn tại được, ông cần một đứa con trai.

Sau 13 năm cố gắng, Josephine 46 tuổi rõ ràng sẽ không thể có một đứa con. Bonaparte biết tất cả về những cuộc đấu tranh giành quyền lực đẫm máu đã diễn ra sau cái chết của Alexander Đại đế và Julius Caesar, những người qua đời mà không có người kế vị rõ ràng.

Người kế vị hiện tại của ông là Joseph, nhưng Julie Clary vợ của Josepth đã không sinh cho ông ta đứa con trai nào, trong khi Joseph đang thất bại rành rành tại Tây Ban Nha.

Ngay từ rất sớm vào tháng 7/1806, Công tước de Lévis, một người lưu vong đã trở về sau ngày 18 tháng Sương mù, đã cảnh báo Hoàng đế, “Atlas đã có cả thế giới, nhưng sau ông ta là sự hỗn loạn".

Ngày 30/11, Napoleon nói với Josephine là ông muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân của họ. “Em có con”, ông nói, “anh chưa có. Em phải cảm thấy sự cần thiết trong việc củng cố triều đại đang đè nặng lên anh". Bà đã khóc, nói rằng bà không thể sống thiếu ông, cầu xin ông nghĩ lại.

“Tôi đã thấy bà ấy khóc hàng giờ liền”, Rapp nhớ lại về thời kỳ này; “bà ấy nói về sự gắn bó của mình với Bonaparte, vì bà ấy thường gọi ông ấy như vậy khi có mặt chúng tôi. Bà ấy tiếc nuối vì phải khép lại sự nghiệp huy hoàng của mình: Điều này là lẽ tự nhiên”.

Bà đội một chiếc mũ màu trắng rộng vành vào bữa tối hôm đó để che giấu sự thật là bà đã khóc, song Bausset thấy bà “là hình ảnh của đau khổ và tuyệt vọng”. Ăn tối riêng cùng nhau, cả Napoleon lẫn Josephine đều không ăn được mấy, và những lời duy nhất được trao đổi là khi Napoleon hỏi Bausset về thời tiết.

Vào một thời điểm trong bữa tối, Napoleon nhớ lại, “bà ấy đã kêu lên và ngất đi”, và phải nhờ người hầu gái dìu đi. Vào một dịp khác, hay có thể cũng dịp đó nhưng được nhớ khác đi, Bausset nghe thấy “những tiếng la hét dữ dội của Hoàng hậu Josephine vang lên từ phòng ngủ của Hoàng đế”, và Bausset bước vào để rồi thấy bà nằm trên thảm “bật ra những tiếng khóc xé lòng và những lời than vãn”, nói rằng bà sẽ “không bao giờ sống nổi” sau một cuộc ly hôn.

Napoleon yêu cầu Bausset và một thư ký đưa bà về phòng ngủ của bà ở phía trên cầu thang riêng, và họ đã làm được điều đó mặc dù Bausset suýt vấp phải thanh kiếm đeo làm cảnh của mình trong lúc thực hiện.

Eugène ghé thăm vào ngày 5/12 đã giúp mẹ mình dịu xuống, và các gia đình Bonaparte và Beauharnais đã có thể sớm ngồi lại thảo luận về những điều cụ thể. Để đủ thủ tục cho nghi lễ nhà thờ mà Napoleon cần đến cho hôn lễ tiếp theo của mình, hôn lễ tại nhà thờ giữa ông với Josephine trước lễ đăng quang phải được tuyên bố là vô hiệu, cho dù nó đã được thực hiện bởi một chức sắc của Giáo hội, Hồng y Fesch.

Vậy là Napoleon lập luận rằng nó đã diễn ra lén lút, không có ai chứng kiến, và rằng ông đã hành động dưới sự ép buộc của Josephine. Josephine đồng ý làm theo lập luận lố bịch này, song ít nhất là 13 trong số 27 Hồng y của Pháp đã từ chối tham dự hôn lễ tiếp theo của Napoleon. (Từ đó Napoleon đã cấm họ mặc hồng y, nên những người không quy phục này được gọi là “các Hồng y đen”).

Để hủy bỏ cuộc hôn nhân, các quan chức tư pháp của chính quyền lấy các cuộc ly hôn của Louis XII và Henri IV ra làm tiền lệ.

 Câu nói của Napoleon. Ảnh: Omega Plus.

Câu nói của Napoleon. Ảnh: Omega Plus.

Tại cuộc họp ngày 7/12, Josephine đã phải tuyên bố trước các quan chức cao cấp của Đế chế rằng bà chấp thuận ly hôn, Bộ trưởng Antoine Lavalette là chồng cháu gái bà ghi lại: “Bà ấy thể hiện rõ sự dũng cảm và cứng cỏi về tinh thần tới mức mọi người chứng kiến đều xúc động sâu sắc. Hôm sau bà rời khỏi Tuileries, không bao giờ trở lại nữa".

Khi bà lên xe ngựa cùng tùy nữ, “không có lấy dù chỉ một người ở lại để thể hiện với bà một khuôn mặt biết ơn”. Sự tàn nhẫn của triều chính là vậy. Tuy nhiên, khó có thể nói là bà bị trục xuất khỏi Paris, vì bà vẫn giữ lại cung điện Élyseé như một trong các nơi ở của mình.

Napoleon trao cho bà Malmaison và lâu đài Navarre từ thế kỷ 14 ở Normandy đã khiến ông tốn 900.000 franc, và bà vẫn giữ lại danh vị Hoàng hậu, cùng mọi vinh hạnh và đặc quyền, trong khi món nợ 2 triệu franc của bà đã được thanh toán, và bà được hưởng khoản thu nhập 3 triệu franc một năm trọn đời.

Giống như Frederick Đại đế nói về Maria Theresa vào thời điểm diễn ra cuộc phân chia Ba Lan lần thứ nhất: “Bà ta khóc, nhưng bà ta nhận".

Khía cạnh tài chính này có lợi cho cả hai người: Josephine có một thu nhập khổng lồ, và người đàn ông được nhà nước chi trả cho cuộc ly hôn của mình cũng may mắn.

Mỉa mai thay, cho dù để có người kế vị Đế chế mà Napoleon đã ly hôn với Josephine, nhưng cuối cùng chính cháu trai bà, chứ không phải đứa con nào của Napoleon, sẽ trở thành hoàng đế tiếp theo của Pháp, và hậu duệ trực hệ của bà ngày nay đang ngồi trên các ngai vàng của Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Luxemburg. Còn hậu duệ của ông không có bất cứ ngai vàng nào.

Thậm chí trước khi cho Josephine biết tin, Napoleon đã viết cho Caulaincourt Đại sứ Pháp tại Nga ngày 22/11, yêu cầu ông này kín đáo thăm dò Sa hoàng về triển vọng của việc ông kết hôn với em gái ông ta, nữ Đại Công tước Anna Pavlovna: “Ta không đưa ra một yêu cầu chính thức, ta mong muốn ông bày tỏ quan điểm".

Vậy là cuộc cầu hôn song hành với người Nga và người Áo bắt đầu. Napoleon bày tỏ rõ ràng vào giữa tháng 12 rằng ưu tiên của ông là Anna, và ông không quan tâm tới những vấn đề về tôn giáo có liên quan - với một người từng tán tụng Hồi giáo và bị rút phép thông công, việc cô gái có là người theo Chính thống giáo Nga cũng không phải là trở ngại không thể vượt qua.

Có sẵn một công chúa khác như một lựa chọn thay thế ở Saxony, song cô này sẽ không thể đem tới những lợi ích địa chính trị khi kết hôn như với em gái Sa hoàng Alexander hay con gái Hoàng đế Francis.

Khoảng cách tuổi tác - đến tháng 1, Anna mới 15 tuổi - nhiều khả năng sẽ đồng nghĩa với việc công chúa sẽ ở lại St Petersburg vài năm trước khi chuyển tới Paris.

Andrew Roberts / NXB Thế giới và Omega Plus

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/napoleon-cham-dut-hon-nhan-voi-nguoi-vo-lon-tuoi-nhu-nao-post1113973.html