NASA chụp được điều sẽ xảy ra với Trái Đất 2 tỉ năm tới

NASA vừa tung ra bức ảnh ngoạn mục về 'vũ điệu của Chim Cánh Cụt và Trứng', thực ra là một hiện tượng vô cùng khốc liệt của vũ trụ.

Bức ảnh được tung ra nhân dịp kỷ niệm 2 năm kể từ những bức ảnh đầu tiên của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, là "chiến thần" chinh phục không gian sâu do NASA phát triển và điều hành chính.

"Chim Cánh Cụt" là tên khác của thiên hà NGC 2936, trong khi "Trứng" là thiên hà NGC 2937. Hai thiên hà trông như khiêu vũ trên bầu trời, nhưng thực tế chúng đang nuốt nhau.

Bức ảnh về vũ điệu của Chim Cánh Cụt và Trứng được NASA công bố, trong đó Chim Cánh Cụt là toàn bộ khu vực sáng rực rỡ hình con chim cánh cụt, còn Trứng là thiên hà nhỏ gọn bên trái nó - Ảnh: NASA

Bức ảnh về vũ điệu của Chim Cánh Cụt và Trứng được NASA công bố, trong đó Chim Cánh Cụt là toàn bộ khu vực sáng rực rỡ hình con chim cánh cụt, còn Trứng là thiên hà nhỏ gọn bên trái nó - Ảnh: NASA

Ban đầu NGC 2936 hiện rõ là một thiên hà xoắn ốc lớn, tức cùng loại với thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà). Thế nhưng ngày nay, nó đã hoàn toàn biến dạng, thành một chú chim cánh cụt theo nghĩa đen.

Trung tâm thiên hà hiện trông như một con mắt sáng quắc, trong khi một dải sao bị uốn thành hình cái mỏ nhọn, các phần khác trở thành cấu trúc giống như đầu, xương sống và đuôi xòe ra.

Giống như tất cả các thiên hà xoắn ốc, Chim Cánh Cụt rất giàu khí và bụi.

Tương tác hấp dẫn từ vụ sáp nhập với Trứng đã tác động lên các vùng khí và bụi mỏng hơn, khiến chúng va chạm thành sóng và hình thành các ngôi sao mới ồ ạt.

Các vườn ươm sao đó là thứ trông giống như một con cá trong “mỏ” và “lông vũ” trong phần “đuôi”, bao quanh bởi vật liệu giống khói bao gồm các phân tử hydrocarbon thơm đa vòng.

Ngược lại, hình dạng nhỏ gọn của Trứng vẫn không thay đổi nhiều.

Là một thiên hà hình elip, nó chứa đầy những ngôi sao già cỗi, và có ít khí và bụi hơn để có thể bị kéo đi và tạo thành những ngôi sao mới.

Mặc dù rất nhỏ so với Chim Cánh Cụt, Trứng có khối lượng tương đương, nên trở thành một khối cô đặc và chậm biến dạng hơn.

Sự tương tác liên tục của chúng bắt đầu 25 đến 75 triệu năm trước. Chúng sẽ tiếp tục lắc lư, quấn lấy nhau, xoay quanh nhau trước khi hoàn toàn bị phá vỡ cấu trúc hợp nhất thành một thiên hà duy nhất sau hàng trăm triệu năm nữa.

Hai thiên hà hiện cách nhau 100.000 năm ánh sáng, là một khoảng cách rất ngắn giữa các thiên hà.

Để so sánh, Ngân Hà cách người láng giềng cùng loại là thiên hà Andromeda (Tiên Nữ) tới 2,5 triệu năm ánh sáng.

Ngân Hà và Tiên Nữ cũng đang trên đà hợp nhất, dự kiến sẽ xảy ra trong vòng 4-5 tỉ năm tới.

Nhưng trước đó, Ngân Hà sẽ hợp nhất với một thiên hà nhỏ gọn hơn là Đám mây Magellan Lớn, một trong các thiên hà vệ tinh của nó, khoảng 2 tỉ năm tới.

Vì vậy hình ảnh NASA vừa công bố có thể là bản xem trước để chúng ta hình dung về cách "ngôi nhà" của Trái Đất sẽ thay đổi trong các mốc 2 tỉ và 4 tỉ năm tới.

Hành tinh của chúng ta có thể sẽ cùng với cả hệ Mặt Trời trôi dạt vào một khu vực có hình dạng kỳ lạ mới, thay vì nằm yên vị trên phần rìa tròn của đĩa ánh sáng xoắn ốc.

Cú va chạm gần hơn - với Đám mây Magellan Lớn - dự kiến không có tác động quá mạnh mẽ với hệ Mặt Trời, tức không gây hủy diệt. Nhưng một số nghiên cứu cho rằng nó đủ để hất văng Trái Đất ra khỏi "vùng sự sống".

Theo Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nasa-chup-duoc-dieu-se-xay-ra-voi-trai-dat-2-ti-nam-toi/20240724122005519