NASA phóng thiết bị giám sát ô nhiễm không khí từ không gian

Tên lửa SpaceX Falcon 9 hôm 7.4 (giờ Mỹ) đã phóng thành công thiết bị có thể theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn vùng Bắc Mỹ.

Thiết bị TEMPO được ví như một phòng thí nghiệm hóa học trong không gian - Ảnh: Getty Images

Thiết bị TEMPO được ví như một phòng thí nghiệm hóa học trong không gian - Ảnh: Getty Images

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết khả năng giám sát của thiết bị Theo dõi ô nhiễm khí thải ở tầng đối lưu (TEMPO) cho phép các nhà khoa học giám sát sự ô nhiễm không khí và nguồn phát thải ngay từ trên không gian.

Các chất gây ô nhiễm được TEMPO theo dõi bao gồm nitơ dioxide được tạo ra từ sự đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, formaldehyde và ozone.

Các dữ liệu thu được sẽ được sử dụng bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và các cơ quan khác chịu trách nhiệm ứng phó với ô nhiễm khí quyển.

Giám đốc NASA Bill Nelson tuyên bố: “Sứ mệnh TEMPO không chỉ nghiên cứu sự ô nhiễm, mà còn để “cải thiện cuộc sống cho mọi người trên Trái đất. Bằng cách giám sát tác động của mọi thứ, từ giao thông giờ cao điểm cho đến ô nhiễm, cháy rừng và núi lửa hoạt động, các dữ liệu NASA sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trên toàn vùng Bắc Mỹ và bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

TEMPO có kích cỡ bằng một máy giặt và được mô tả là một phòng thí nghiệm hóa học trong không gian. Thiết bị có một chức năng đặc biệt là đón nhận một vệ tinh viễn thông Intelsat trong quỹ đạo địa tĩnh.

Quỹ đạo địa tĩnh thường là quỹ đạo cho các vệ tinh dự báo thời tiết và viễn thông, nhưng chưa có một thiết bị đo đạc chất lượng không khí để đo khí thải, theo bà Caroline Nowlan, một chuyên gia vật lý khí quyển thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian.

Bà Nowlan nói thêm: “Cái hay của TEMPO sẽ là lần đầu tiên chúng tôi có thể đo đạc vùng Bắc Mỹ trong từng giờ, từ đó có thể theo dõi việc gì xảy ra trong suốt cả một ngày khi mặt trời còn chiếu sáng”.

Trong một quỹ đạo địa tĩnh phía trên đường xích đạo khoảng 35.786 km, TEMPO sẽ quay cùng vòng quay của Trái đất, có nghĩa nó sẽ ở mãi một vị trí là vùng Bắc Mỹ.

Sứ mệnh TEMPO được xem rất quan trọng vì hơn 40% trong 137 triệu dân Mỹ hiện sống tại các nơi có mức độ ô nhiễm hạt không lành mạnh (hoặc ozone), theo Hiệp hội Phổi Mỹ. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 60.000 trường hợp chết sớm mỗi năm.

Ông Kevin Daugherty, trưởng dự án TEMPO của NASA, giải thích thiết bị này sẽ đo đạc chất lượng không khí và sự ô nhiễm trên toàn vùng Bắc Mỹ trên cơ sở từng giờ vào ban ngày.

Ông cho biết TEMPO sẽ hoạt động từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, và sẽ bắt đầu cung cấp dữ liệu từ tháng 10.2023, dù phải đến tháng 4.2024 mới có thể công bố các dữ liệu này. Dữ liệu sẽ được cung cấp trực tuyến cho công chúng để giám sát thông tin chất lượng không khí trong khu vực của họ.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nasa-phong-thiet-bi-giam-sat-o-nhiem-khong-khi-tu-khong-gian-195371.html